Phim ngắn cuối tuần: Sự bao dung đúng lúc là “phép màu” cứu rỗi một cuộc đời
“Đôi giày cũ” trong chương trình “Phim ngắn cuối tuần” mở đầu bằng cảnh thanh niên tên Tuấn thất thần đi khắp địa điểm sửa giày yêu cầu thợ phải sửa giày cho vợ. Qua một lúc trò chuyện người ta sớm nhận ra Tuấn đầu óc không được bình thường và xui đuổi anh đi đến nơi khác. Tuấn suốt ngày lang thang ngoài đường miệng không ngừng lẩm bẫm “sửa giày cho vợ”.
Mãi đến một hôm, Tuấn đi ngang chỗ sửa giày của Lộc. Chàng trai nhận thấy điều bất thường của thanh niên này nhưng vẫn kiên nhẫn, chấp nhận giúp đỡ Tuấn (thực ra đôi giày vẫn còn mới) để anh được vui.
Trong lúc nhìn Lộc sửa giày, một dòng hồi ức ùa về trong tâm trí Tuấn. Hóa ra, trước ngày cưới Tuấn mua tặng vợ đôi giày, thế nhưng đôi giày này lại quá rộng nên cả 2 quyết định mang đi sửa. Khi đang lưu thông trên đường, xe 2 vợ chồng bất ngờ gặp gặp nạn khiến cô vợ ra đi mãi mãi. Đau đớn và bàng hoàng bởi ký ức khủng khiếp tận mắt chứng kiến cái chết của người mình yêu, Tuấn sốc tâm lý bị ảnh hưởng đến hành vi sau tai nạn.
Anh dằn vặt tự trách bản thân mua cho vợ đôi giày rộng khiến cô gặp chuyện không may, Tuấn day dứt chọn cách “chạy trốn” khi đối mặt với biến cố quá lớn. Khi nhìn cảnh thợ sửa giày cho vợ, nút thắt trong lòng anh như được tháo gỡ. Trong phút chốc Tuấn tỉnh táo hơn bao giờ hết.
Cha Tuấn sau khi chứng kiến cảnh Lộc sửa giày giúp cậu con trai “không được tỉnh táo” không ngừng cảm ơn anh. Nhờ một chút kiên nhẫn và lòng bao dung đúng lúc của Lộc lại có thể trở thành phép màu cứu rỗi cuộc đời Tuấn.
Cuối tập phim, Tuấn lại đem 1 đôi giày khác đến chỗ Lộc nhờ sửa. Tuy nhiên, lần này anh đến với tâm thế thoải mái như tháo được khúc mắc bấy lâu. Nỗi đau vẫn còn đó nhưng dường như Tuấn đã chấp nhận "chữa lành" cảm xúc của chính mình.
Đôi khi, điều gì đó bất thường chính là bằng chứng cho một biến cố khó có thể chấp nhận trong quá khứ. Và cũng đôi khi, chút kiên nhẫn cùng bao dung đúng lúc, lại chính là phép màu cứu rỗi một cuộc đời.