Nữ sinh lớp 11 và chuyến xe bão táp từ Điện Biên xuống Hà Nội
Mở màn cho tập 9 Thiếu Niên Tỏa Sáng, JSOL đã mang đến sân trường Ngô Thời Nhiệm ca khúc “Mẹ ơi con lên tivi” cực sôi động. Bên dưới khán đài, các bạn học sinh liên tục vỗ tay, hào hứng “chill” theo giai điệu bài hát.
Đứng trên bục dũng khí, JSOL bồi hồi và ước gì được quay lại thời cấp 2, cấp 3. Nam ca sĩ cũng nhắn nhủ đến các học sinh rằng hãy tận hưởng thật nhiều những cảm xúc dễ thương thuở học trò bởi đây là quãng thời gian vô tư, trong sáng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
JSOL cho biết, ngày trước anh cũng từng khiến mẹ lo lắng và buồn lòng khá nhiều. Tuy nhiên, ở hiện tại, anh ngày càng trưởng thành, biết cố gắng phấn đấu hơn nên anh mong rằng mẹ sẽ bỏ qua những lỗi lầm của anh; đồng thời anh mong mẹ sẽ tự hào về cậu con trai đã luôn cố gắng, nỗ lực trong suốt thời gian qua. “Con yêu mẹ và cảm ơn mẹ rất nhiều”, nam ca sĩ gửi gắm đến mẹ.
Nữ sinh từng bị cả lớp cô lập, biết ơn vì được cô giáo chủ nhiệm ‘gỡ rối’. Mở đầu câu chuyện, nữ sinh Trần Tố Uyên (12A5) cho biết, cô bạn đứng trên bục dũng khí hôm nay để gửi lời cảm ơn đến cô Hòa - giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10 của mình.
“Hai năm trước mình xích mích với một bạn khác và sau đó mình bị mọi người ghét bỏ. Mình thực sự ám ảnh vào khoảng thời gian đó bởi mình không thể nói chuyện được với ai.
Mọi người có hiểu cảm giác, đi chơi với một tập thể nhưng mình chỉ có một mình thôi không? Mình từng rơi vào cảm giác như thế khi lớp mình tổ chức đi Đà Lạt, nó rất đau đớn”, Tố Uyên bật khóc. Tố Uyên chia sẻ tiếp, đêm thứ hai ở Đà Lạt, cô Hòa đã gọi Tố Uyên gặp riêng và hỏi cô bạn “con có ổn không?” khiến Tố Uyên vỡ òa cảm xúc.
“Cô ơi cô có biết là nhờ câu nói đó của cô, con có rất nhiều động lực để con vượt qua khoảng thời gian đó. Câu nói ấy đã khiến con mạnh mẽ hơn rất nhiều. Sau chuyến đi Đà Lạt đó, cô cũng là người giúp con hòa giải, gắn kết lại với các bạn mà con từng xảy ra xích mích”, nữ sinh gửi gắm đến cô giáo của mình. “Và con đứng ở đây để gửi lời cảm ơn đến với cô, cảm ơn cô đã đồng hành và giúp đỡ con”, Tố Uyên nói tiếp.
Trước chia sẻ này của học trò, cô Hòa cũng không giấu được niềm xúc động. “Nhiều khi nhìn ánh mắt của các con, cô sẽ hiểu các con đang có cảm xúc thế nào? Với câu chuyện của Tố Uyên, cô biết rằng đây là cô bạn khá năng nổ, hòa đồng; chỉ khi xảy ra chuyện nào đó mới khiến cô bạn này thu mình lại, thế nên cô rất muốn chia sẻ với Tố Uyên. Không chỉ mình tôi mà các thầy cô khác của trường Ngô Thời Nhiệm đều như vậy, luôn lắng nghe, quan tâm và giúp đỡ các học trò của minh”, cô Hòa chia sẻ.
Nữ sinh trưởng thành hơn sau lần xảy ra mâu thuẫn với chú bảo vệ. Đứng trên bục dũng khí, Phạm Khánh Linh (lớp 11A12) chia sẻ câu chuyện về “chú bảo vệ của mình”. Khánh Linh cho hay, nữ sinh từng xảy ra một mâu thuẫn với chú Tuân - chú bảo vệ vào 2 năm trước.
“Mỗi lần ra về thì mỗi học sinh phải có một tấm thẻ. Thế nhưng hôm đó, thầy của mình đã đưa cho mình một tấm phiếu ra về nhưng chú bảo vệ không cho mình ra. Lý do mà chú bảo vệ đưa ra là hình thức ra về không hợp lý nên mình không được phép ra về.
Mình khá khó hiểu nên đã bảo lại với chú rằng “Cái này thầy phát cho con và bình thường con vẫn ra cổng như vậy” thì chú bảo rằng “Thầy ghi rằng phụ huynh đón thì phải có phụ huynh tới thì mình mới được phép ra về”. Thái độ của chú rất cương quyết và nhất định không cho mình ra ngoài. Mình khá mệt và bực bội, từ thái độ muốn năn nỉ thì mình đã chuyển sang bực tức và có hành động không đúng với chú.
Trái ngược với mình, chú Tuân vẫn rất bình tĩnh, điềm đạm và giải thích cho mình hiểu. Tiếp đó, chú Tuân đề xuất cho mình hướng giải quyết rằng, cho mình mượn điện thoại để mình gọi điện cho phụ huynh đến đón. Tuy nhiên, tính cách của mình bướng bỉnh và luôn muốn chiến thắng trong mỗi cuộc tranh cãi nên mình đã nói với chú “con không gọi đâu”. Thế nên, mình đã phải đợi từ trưa đến khi trời sập tối.
Tuy nhiên, sau đó mình đã quá mệt và trời lại sắp tối nên mình chấp nhận chịu thua, mượn điện thoại của chú và gọi cho phụ huynh. Lúc mẹ mình tới, mình rất lo lắng và sợ rằng chú sẽ “mách” lại với mẹ sự ngang bướng của mình. Thế nhưng điều này không xảy ra, thậm chí, chú rất nhẹ nhàng và nói với mẹ mình rằng “bé đã đợi khá lâu rồi nên chị cho bé về sớm nha”.
Khánh Linh kể tiếp, sau hôm đó, Khánh Linh đến trường vẫn gặp chú, thế nhưng thay vì bực tức thì chú vẫn rất vui vẻ và thân thiện. Chú còn chủ động để chào Khánh Linh. Từ đây, Khánh Linh đã có suy nghĩ khác về chú bảo vệ.
Nhân dịp đứng trên bục dũng khí, Khánh Linh đã gửi lời xin lỗi đến chú bảo vệ vì tính cách trẻ con của mình. Cô bạn cũng nhắn nhủ đến các bạn rằng, mỗi bạn trẻ sẽ biết cách kiềm chế của bản thân bởi trong mỗi sự việc đều có những cách giải quyết nhẹ nhàng và hiệu quả.
Trước tâm sự của nữ sinh Khánh Linh, chú Tuân cho biết, bản thân luôn xem các cô cậu học trò như con cái của mình, thế nên, trong quá trình làm việc, nếu có thể giúp được gì cho các bạn, chú sẽ giúp đỡ hết mình.
Nữ sinh lớp 11 và chuyến xe bão táp từ Điện Biên xuống Hà Nội. Câu chuyện tiếp theo là của nữ sinh Lù Thị Quỳnh (Lớp 11A16, trường TH – THCS – THPT Ngô Thời Nhiệm). Đứng trên bục dũng khí, Quỳnh kể về câu chuyện chuyến xe bão táp từ Điện Biên xuống Hà Nội kéo dài 12 tiếng.
“Khi đó, bạn và mình có hẹn nhau đi chơi, cả hai quyết định đi xe riêng rồi cả 2 hẹn gặp nhau ở điểm đến. Mình đã bắt xe và đi một mình từ Điện Biên xuống Hà Nội. Lúc đầu, mình cũng nghĩ không sao cả nhưng hi đã đặt chân trên xe mình cảm thấy bắt đầu sợ hãi vì gặp một chú lớn tuổi hơn có những hành động khiếm nhã dành cho mình.
Lên xe, mình gặp một chú phụ xe luôn cố gắng bắt chuyện với mình. Nhưng mình mệt quá nên ngủ thiếp đi. Đến nửa đêm, chú đến và ngỏ lời muốn nằm chung với mình nên mình cũng đã đồng ý và xích qua để chú nằm chung.
Một lát sau, chú bảo muốn nằm chung chăn vì trên xe đã hết chăn. Chú chỉ nằm một lúc thôi nên mình đồng ý. Tiếp đó, chú có lên đầu xe để lấy đồ, và để lại điện thoại cho mình giữ dùm. Khi đó, mình mới để ý và thấy màn hình điện thoại đang mở một bộ truyện tranh khá nhạy cảm nhưng mình cũng không quan tâm lắm và ngủ tiếp.
Một lát sau chú lấy lại điện thoại và có những hành động không tốt với mình. Quá hoảng loạn và sợ hãi, mình cũng không kêu cứu sự giúp đỡ mọi người xung quanh và nghĩ rằng nếu mình có hét lên thì mọi người cũng sẽ không quan tâm và tự mình chống cự.
Mình từng học qua các lớp tự vệ nên cũng đã chống cự đến cùng. May mắn, đến giờ thay ca xe nên chú cũng không làm gì được mình”, nữ sinh kể lại. Lý do Quỳnh đứng trên bục ngày hôm nay kể câu chuyện của mình bởi quê nữ sinh cũng có rất nhiều bạn nữ gặp trường hợp tương tự mà các bạn lại không dám lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ của mọi người. “Và mình đứng ở đây để khuyên các bạn ấy hãy tự tin lên và nói lên tiếng nói của mình để mọi người cùng biết và bảo vệ bản thân”, Quỳnh nhắn nhủ.
Cũng từ đây, Quỳnh nuôi nấng ước mơ trở thành công an để giúp các bạn nữ thoát khỏi những kẻ xấu trong xã hội. Đồng thời, Quỳnh khuyên các bạn nữ hãy luôn trang bị đầy đủ những kĩ năng sống để bảo vệ bản thân mình và mọi người xung quanh.
Gil rất xúc động vì câu chuyện của Quỳnh vì Gil cũng đã từng chứng kiến tận mắt với người bạn của mình câu chuyện tương tự. Gil nói: “Mình là người bị hại, là người gặp khó khăn nhưng người lo sợ lại là mình. Chúng ta sợ tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân vì sợ họ lo lắng.Ngày hôm nay mình nói ra được cũng thấy được rằng em đã tự tin hơn và mong rằng phụ huynh có thể quan tâm đến vấn nạn này một cách cởi mở tích cực hơn. ”.
Sau chương trình, Quỳnh biết ba mẹ sẽ biết và lo lắng thế nhưng cô bạn vẫn quyết định nói ra vì muốn ba mẹ biết Quỳnh đã trưởng thành hơn, đủ khả năng để bảo vệ bản thân mình. Nữ sinh với ước mơ cháy bóng trở thành dancer chuyên nghiệp nhưng không được ba mẹ ủng hộ
Bạn Lưu Ngọc Khánh Băng (Lớp 10A1, trường TH – THCS – THPT Ngô Thời Nhiệm) kể về uớc mơ lớn nhất và duy nhất là trở thành một dancer và biên đạo nhảy chuyên nghiệp.
“Mình rất thích bộ môn này. Khi là một dancer mình có thể truyền tải những thông điệp đến cho mọi người. Là một biên đạo nhảy mình có thể sáng tác ra những điệu nhảy để mọi người có thể thực hiện lại. Thế nhưng bị bố mẹ cản trở vì cho rằng nghề này không đàng hoàng, không ổn định và bấp bênh. Mình nghĩ rằng khi mình đam mê và cháy bỏng thì mình sẽ làm được tất cả”, Khánh Băng nói.
Tiếp đó, Khánh Băng gửi lời đến cha mẹ: “Nhưng mà ba mẹ ơi, ba mẹ có biết là con yêu cái nghề này đến cỡ nào không? Công việc không chỉ đơn thuần là nhảy mà là còn kể chuyện. Ba mẹ đã cho con điều kiện học từ năm 3 tuổi, đến năm lớp 1 con cảm thấy đam mê hơn với bộ môn này.
Thế nhưng, ba mẹ tạo cơ hội và điều kiện cho con thế nhưng sao nỡ lại lấy đi cơ hội này của con. Con thật sự rất buồn. Con muốn hỏi ba mẹ rằng:”ba mẹ có từng ước mơ không, và ước mơ của ba mẹ được thực hiện chưa. Con mong ba mẹ có thể hiểu và để con thực hiện được ước mơ của mình”.
Trước tâm tư của con, ba Khánh Băng chia sẻ: “Ba rất xúc động và hiểu được ý của con. Nhưng từ xưa đến giờ con chưa từng thể hiện sự chân thành, nhiệt huyết của con với nghề này cho ba mẹ xem để ba mẹ có thể cảm nhận được khao khát của con với đam mê của mình. Con phải có chứng minh được đam mê và sự nhiệt tình thì ba mẹ sẽ đồng ý thôi. Vì nghề nào cũng là nghề tốt. Không có nghề nào xấu trong xã hội”.
Có thể ở nhà con chưa có đủ can đảm để nói với ba mẹ. Nhiều lúc con nói ra thì đều bị cắt ngang. Vì thế con đã để dành những lời đó ngày hôm nay để ba mẹ thấy được là những nỗ lực và đam mê của con, Khánh Băng nói tiếp.
Mẹ Khánh Băng cũng lên tiếng: “Mẹ không muốn con có những suy nghĩ tiêu cực về gia đình như thế. Ba mẹ sẽ không dập tắt niềm đam mê của con nhưng trước tiên con phải học, con phải có kiến thức. Khi con học xong hết thì đam mê của con mới thành được. Ba mẹ sợ con xao lãng việc học. Học xong thì theo đuổi lúc nào cũng được. Bắt buộc con phải học, kiến thức phải đầy vững.
Trước màn đối thoại của Khánh Băng và ba mẹ, Gil cũng gửi gắm hy vọng rằng em không chỉ là một biên đạo giỏi trong nước thôi mà còn mang những bài nhảy của mình ra nước ngoài để thể hiện văn hoá của nước mình để có thể giao lưu.
“Con mong ba mẹ tin tưởng ở con và con tin rằng mình chắc chắn sẽ làm được. Con hứa sẽ cố gắng học và phân bố thời gian hợp lý để học nhảy”, Khánh Băng thuyết phục ba mẹ. Ba Khánh Băng đáp: “Ba rất tin tưởng con gái của ba. Từ nhỏ đến lớn, con luôn khiến ba hãnh diện. Con gái ba giỏi lắm, ba rất hạnh phúc về con”.
Chàng trai “bóc phốt” chị ba không thương tiếc trên bục dũng khí. Trên bục dũng khí, Phạm Tài Hiếu (lớp 10A3 - Trường THPT Ngô Tài Nhiệm) cho biết, chị ba rất thương yêu cũng thường hay cằn nhằn, nhất là mỗi lần mẹ giao chị nhiệm vụ rửa chén dọn nhà. "Khi ấy, chị ba sẽ bắt em đứng bên cạnh để... cho có người và còn để để sai vặt. Hoặc mỗi lần em chơi điện thoại, chị sẽ chụp hình lại gửi cho mẹ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị mà Hiếu cho là lần quá trớn đá chị ngã đập vào tường và đó Hiếu bị mẹ "phạt roi". Từ đó trở đi cậu chàng không dám động tay động chân với chị ba nữa. Sau này kể cả chị ba có chọc cỡ nào Hiếu cũng chỉ dám khóc rồi đi mạch mẹ thôi.
"Mỗi lần em muốn về tâm sự với chị ba nhưng vừa cất lời cái chị liền bảo: 'Thôi nói nhiều quá, đi học về mệt rồi còn nói hoài'", Hiếu kể lại. Ngoài ra, Hiếu còn "bóc phốt" chị gái vụ việc 2 chị em đi cá viên chiên, uống trà sữa, chị ba kêu Hiếu thanh toán trước rồi về nhà sẽ trả sau nhưng thực tế thì chị sẽ ỉm luôn. Đặc biết, Hiếu kể chị ba thường hay mượn tiền mình mua đồ nhưng đến lúc em trai kêu trả thì chị ba liền nói: "Chị em trong nhà, không cần tính toán vậy đâu".
"Lần gần đây nhất là sinh nhật em. Em kêu chị ba tặng quà thì chị nói chị là món quà sinh nhật đặc biệt nhất cuộc đời em rồi nên không cần tặng quà nữa. Chị chỉ tặng quà cho bạn thôi", Hiếu say sưa kể.
Được biết, chị ba của Hiếu tên là Thảo Nhi. Có mặt trong chương trình và lắng nghe toàn bộ màn "bóc phốt" từ em trai, Thảo Nhi cho biết những lời Hiếu kể một phần đúng nhưng cũng có phần chưa chính xác. "Tất nhiên xài tiền của Hiếu chị Nhi sẽ thấy vui vì đâu phải xài tiền của mình đâu".
Trước chất vấn của em trai về việc tặng quà sinh nhật đầy đủ cho các bạn của mình nhưng quà cho em trai thì không có, Thảo Nhi vẫn khẳng: "Chị là món quà tuyệt vời nhất của em rồi. Chị đâu có ôm, hôn các bạn mình đâu, chỉ dành tình cảm thân mật dành cho em thôi".
Dù có nhiều bức xúc với chị gái, song khi được hỏi có thương chị ba không? Hiếu vẫn trả lời: "Có". Chia sẻ về thêm về những lần chí chóe nhau, mẹ của Hiếu và Thảo Nhi cho biết: "Đây chỉ là một phần thôi chứ thực tế ở nhà hai chị em nó 'sóng gió' hơn nhiều. Cô chị cũng có vừa đâu, lúc nào cũng bắt em làm theo ý mình.
Còn thằng út thì thực chất hiền lành hơn". Người mẹ cũng rất cổ vũ con trai dũng cảm nói ra hết tâm sự trong lòng mình để không gặp gánh nặng gì. "Út 'bóc phốt' chị ba như này là hơi bị ít. Mẹ hy vọng sau nên có đứng trên bục dũng cảm lần nữa con hãy kể nhiều hơn, giãi bày nhiều hơn về những ấm ức của mình".
Cuối cùng, Hiếu tâm sự mong muốn được hòa thuận với chị ba. Hy vọng chị bớt cọc, cằn nhằn lại. Ngoài ra, Hiếu còn gửi lời cảm ơn đến mẹ vì đã sinh chị ba ra để chơi với em, nếu không em sẽ rất buồn.
Xúc động trước chia sẻ này của em trai, chị gái Hiếu nghẹn ngào: "Tính cách em vốn cọc cằn hay càu nhàu như vậy rồi, cũng ít khi nói lời yêu thương với Hiếu, em còn hay la bắt Hiếu học bài, không được lười. Có thể bây giờ Hiếu không thấy chị Nhi thương Hiếu nhưng sau này Hiếu sẽ thấy được là những điều chị làm cho em là điều tốt".
Nữ sinh lấy hết can đảm để hỏi anh trai: "Anh hai có thương em không?" Nguyễn Ngọc Thảo Minh (10A18 - Trường THPT Ngô Thời Nhiệm) cho biết mình là con út trong nhà và có anh trai cách 13 tuổi hiện đang làm quản lý công trình. Vì khoảng cách tuổi tác khá lớn nên Thảo Minh và anh không thân, ít khi nói chuyện với nhau. Thậm chí 2 anh em cũng chưa bao giờ chia sẻ hay tâm sự điều gì. Hôm nay đứng trên bục dũng khí, Thảo Minh lấy hết can đảm muốn hỏi anh một điều rằng: "Anh hai có thương em không?"
Thảo Minh tâm sự: "Em thương anh hai, nhưng em chỉ thương anh hai 50% thôi, tại vì anh hai chưa bao giờ ngọt ngào với em hết. Khi nhìn thấy anh hai cười với những người em họ khác, em rất ghen tị, luôn tự hỏi sao anh hai dễ dàng cười với người khác nhưng lại chưa bao giờ cười với mình?
Khi em đi ăn với bố mẹ, em muốn để phần cho anh hai. Nhưng đa phần anh về mệt nên cũng không ăn luôn. Mỗi lần em muốn chia sẻ với anh nhưng lại rất sợ nên chưa bao giờ gần với anh", Thảo Minh nói.
Bố mẹ cũng muốn kéo gần khoảng cách giữa 2 con nhưng Thảo Minh và anh vẫn chưa bao giờ ngồi lại với nhau nói chuyện thân thiết.
Có những lần anh hai quan tâm vu vơ, chẳng hạn như hỏi sao Thảo Minh chưa đi học về hay lúc được anh hai trở đi học, cho tiền ăn sáng... Những cử chỉ quan tâm nho nhỏ thôi nhưng lại khiến Thảo Minh rất vui. Cô nàng cũng tiếc nuối cho biết, rất ít khi anh mình thể hiện sự quan tâm như vậy.
"Mình nhớ nhất là kỷ niệm mình giẫm phải đinh, anh hai lập tức bế mình vào nhà rồi làm công tác sơ cứu vết thương. Mình cứ nhớ mãi chuyện này và cả sự vô tâm thường ngày của anh rồi thắc mắc trong lòng: Anh có thật sự thương em không?".
Lắng nghe hết tâm sự của em gái kém 13 tuổi, anh trai của Thảo Minh không giấu được sự xúc động. Anh trả lời: "Mình là gia đình mà, câu trả lời chắc chắn phải là có rồi. Hôm nay rất là bất ngờ khi nghe về tâm sự của em như vậy".
Lý giải về sự thờ ở của mình dành cho em gái, anh trai Thảo Minh cho biết, có thể là do anh càng ngày càng lớn, công việc hàng ngày cũng nhiều, tính chất công việc khiến anh khô khan. Ở nhà Thảo Minh được cả ba và mẹ yêu thương đùm bọc, anh trai cũng muốn "cứng rắn" với em một chút để sau này ra ngoài cuộc sống em mạnh mẽ đối mặt với khó khăn thử thách.
Cũng có mặt tại chương trình, bố mẹ Thảo Minh cho biết hai anh em ở nhà chưa bao giờ cãi nhau. "Bé Minh thương hai tâm sự là: 'Anh hai ghét con đó bố'. Nhưng tôi luôn khẳng định không phải vậy, hai con đều do bố mẹ sinh ra, làm sao mà ghét nhau được. Tôi cũng nói với đứa lớn chan hòa với em một tí, để em hiểu", bố Thảo Minh nói.
Cuối cùng mẹ Thảo Minh nhắn nhủ các con: "Hai anh em vui vẻ thương yêu nhau chính là điều bố mẹ mong muốn nhất. Cảm ơn và biết ơn các con đã đến trong cuộc đời của bố mẹ".
Nữ sinh tâm sự về ‘người anh hùng’ đặc biệt khiến bạn bè được phen cười ngất. Bạn Đỗ Triệu Vy (lớp 8 trường Ngô Thời Nhiệm) đã giới thiệu cho mọi người một người mà bạn rất thần tượng, đó là ba của bạn. Vy còn đặt cho ba là “anh hùng tiên răng”. Ba Vy có răng rất to, rất cao và mạnh mẽ nhưng thật sự ba rất trẻ con.
“Ba giành sữa chua của mình. Mình mua một lốc sữa chua về nhà và ăn một hộp, để ba hộp còn lại trong tủ lạnh. Một lúc sau, ba hộp mất tiêu và mình tự hiểu là chúng đã được ai đó ăn. Mình cảm thấy rất ngon khi ba mình nấu món thịt xào đậu que. Mình mong chương trình này sẽ có một nhà hàng năm sao mời ba mình về lần đầu bếp, nhưng ba cũng phải nấu cơm cho con ăn”, Vy kể.
Vy cho biết có lần hai ba con bị té, ba bị thương nhưng vẫn vui vẻ che chở cho Vy. “Có lần mình đi chơi với bạn tới tối chưa về nhưng điện thoại không rung chuông. Ba chạy đi khắp nơi tìm mình, ba không biết mình ở đâu hết. Sau đợt đó, mình tự hứa với sẽ không như vậy nữa. Mình đã cài một cái chuông rất đặc biệt. Có ai gọi đến là ‘Vy ơi, nghe máy Vy ơi”. Bây giờ mình nghe điện thoại thường xuyên hơn, tất nhiên là không bỏ lỡ cuộc gọi nào hết”, bạn nói.
Còn về mẹ, Vy chia sẻ mẹ bạn đang công tác tại Campuchia. Có lần Vy bị mẹ la vì lỡ xoá dữ liệu. Thế nhưng mẹ luôn lo lắng và dõi theo bạn dù ở nơi xa. Qua chương trình, Vy mong muốn ba đừng giành sữa chua với bạn. Vy cũng gửi lời cám ơn đến ba mẹ cho bạn được sống trong môi trường tốt.
Khi nghe con gái bóc phốt, ba Vy cho biết: “Những điều mà Vy nói ở trên đều đúng, chú không có gì biện mình. Hai năm qua, hai cha con chú đồng hành cùng nhau. Chú rất tự hào về con gái. Mãi yêu con”.
Nam sinh bóc phốt ba mẹ vì cho rằng mình là con ghẻ. Bạn Lê Phạm Thiên Phú (lớp 12 trường Ngô Thời Nhiệm) đến với chương trình để bóc phốt bố mẹ và gia đình. Nhà bạn có 5 người nhưng Phú luôn có cảm giác mình là con ghẻ trong nhà.
Nhà Phú ở Đà Lạt. Khi học nội trú, một năm bạn về nhà rất ít lần. Mỗi lần về, Phú đều tủi thân vì cảm giác mọi người bỏ quên bạn. “Hôm đó, khi mình đang ngồi trong phòng chơi, tự nhiên mọi người trong nhà đều đông vui.
Sau khi vui chơi, khi mọi người yên lặng, mình nhận ra rằng họ đã ra ngoài. Mình gọi điện cho bố mẹ, họ hỏi mình đang ở đâu và tại sao mình chưa lên nhà hàng. Mình thay đồ nhanh chóng và lên nhà hàng để ăn cùng mọi người. Cảm giác lúc đó của mình là hụt hẫng, cảm thấy có ai đó không quan tâm đến mình.
Sau đó, mẹ đi mua đồ nhưng quên một món cho mình. Mình nhắc mẹ và mẹ gật đầu. Khi mẹ quay trở về, mình hỏi về món đồ của mình. Mẹ bảo: ‘Thôi chết, mẹ quên mua đồ cho con rồi’. Mình cảm thấy bất lực. Qua chương trình này, mình muốn hỏi bố mẹ liệu họ có ghét hay giận gì với mình không hay khi mình làm sai lầm hay không mà ba mẹ quên mình”, Phú kể.
Đến với chương trình, ba mẹ Phú cũng cho biết: “Khi về nhà, đôi khi con thấy không muốn ở nhà và thường đi thẳng tới nhà bạn bè hoặc anh chị để chơi. Khi ở nhà, con thường cầm điện thoại nhiều hơn, điều này khiến con không chú ý đến những người xung quanh hoặc cảm nhận được sự mong chờ của họ khi con về nhà. Mẹ thường bận rộn với em nhỏ, còn ba lại mắc kẹt trong công việc. Do đó, đôi khi con không để ý đến ba mẹ”.
Đến giờ ăn, mọi người không thấy Phú đâu. Ai cũng gọi điện nhưng không thấy bạn nhận máy. Điều này khiến gia đình đi ăn mà không có Phú. “Điều này là bài học cho con, là con cần phải quan tâm hơn đến mọi người. Ba mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện”, ba mẹ Phú nhắn nhủ.
Lắng nghe ba mẹ nói, Phú cảm ơn ba mẹ đã cho bạn học trong môi trường tốt, giúp bạn thực hiện ước mơ. Phú còn cảm ơn ba mẹ đã ở trên Đà Lạt xuống TP.HCM để lắng nghe bạn tâm sự. Cuối cùng, cả gia đình Phú ôm nhau trong hạnh phúc.