Người phụ nữ “oán giận “ vì nhà chồng ghẻ lạnh, tự trách vì sức khỏe kém dẫn đến nhiều lần mất con
Trong tập 8 chương trình Vali Cảm Xúc vừa lên sóng với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A. Khách mời tuần này là chị Lê Thị Ngọc Thùy, hiện đang sống ở quận 8, TP. HCM. Chị Ngọc Thùy kéo theo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn gắn với đời mình.
Kéo theo chiếc vali màu đen đơn sắc, chị Ngọc Thùy cho biết bản thân cũng từng yêu thích các màu sắc sặc sỡ nhưng khi bước vào đời, những trải nghiệm trong cuộc sống khiến chị cảm thấy mọi thứ không có màu hồng như bản thân từng nghĩ. Mở chiếc vali, đồ vật đầu tiên mà nhân vật mang theo là một quả bóng, gắng với từ khóa “ám ảnh”, và đồ vật khác là giấy chứng nhận kết hôn gắn với từ khóa “oán giận”.
Chị Ngọc Thùy cho biết, quả bóng mang theo sở thích của chồng mình, cũng như những trải nghiệm mà cả hai vợ chồng có cùng nhau trong cuộc sống. Còn giấy chứng nhận kết hôn, không phải mang theo “oán giận” với bạn đời mà là cảm xúc của chị đối với gia đình chồng mình. Với chị Thùy, hiện đang hạnh phúc bên chồng, con và cha ruột nhưng những tổn thương, những khó khăn đã từng gặp phải vẫn còn nằm yên ở đâu đó trong suy nghĩ của chị chứ không thể nào quên được.
“Tuy quen nhau chỉ 6 tháng, anh không nói nhiều lời ngon ngọt nhưng luôn có những hành động để em cảm thấy sự bảo bọc, dù anh nhỏ hơn em 2 tuổi. Anh ấy luôn nhường em trong bất cứ chuyện gì, dù em đúng hay sai. Dù trong câu chuyện anh là người thắng nhưng cuối cùng anh vẫn nghe theo em. Và khi hai vợ chồng em kết hôn, hôn lễ mời không nhiều khách nhưng tuyệt nhiên chỉ có mặt quan khách của nhà gái. Mẹ chồng em đã không có mặt trong ngày trọng đại của con mình”, chị Thùy kể.
Không chỉ vậy, sự lạnh nhạt của gia đình không phải đối với riêng chị Thùy mà với chính chồng chị, người con ruột của gia đình. Ngọc Thùy kể, chồng chị bị bệnh tim bẩm sinh, trước khi hai người kết hôn, anh và mẹ chồng đã từng tranh cãi đến lên cơn đau tim và được cha chồng đưa nhập viện. Và những ngày sau đó thì không thấy cha mẹ chồng xuất hiện chăm sóc mà bỏ anh một mình. Chồng chị cho rằng đó là điều hiển nhiên, và hành động đó khiến chị nhớ mãi.
Về quả bóng Ngọc Thùy mang theo chính là đại diện cho sở thích đá bóng của chồng chị dù anh bị bệnh tim bẩm sinh. Khi quyết định theo đuổi đam mê, mở trung tâm đá bóng nhưng không được nhà chồng ủng hộ. “Cha chồng chưa bao giờ ủng hộ mà còn bác bỏ ý định mở trung tâm đá banh của vợ chồng em. Và đến khi chúng em làm được, thẩm chí mở được 2 trung tâm thì mới thấy nụ cười trên môi cha, nhưng cũng chưa bao giờ nghe chính miệng cha khen câu nào hết. Sự nghiệp hai vợ chồng em tự tạo nên, rồi khi nó mất đi cũng không ai quan tâm”, Ngọc Thùy bộc bạch.
Chị Ngọc Thùy kể, khi hai vợ chồng phá sản, ảnh hưởng đến việc học của con. Nơi con chị theo học cũng là nơi cha chồng giảng dạy nhưng ông chưa bao giờ quan tâm hay hỏi hang cháu nội mặc dù ông biết rất rõ những gì mà đứa trẻ đang phải chịu.
Thấy con mới 15 tuổi mà gánh nhiều áp lực khi đến tường, không có được sự tình cảm của bên nội khiến cô luôn trăn trở. Thậm chí, chị Ngọc Thùy cũng từng bày tỏ mong muốn nhà chồng giúp đỡ nhưng chỉ nhận được lời từ chối. Thậm chí, có lúc chị chỉ xin cha chồng hỗ trợ một ít tiền để hai vợ chồng chuộc xe để có phương tiện đi làm hoặc giúp cháu nội đóng học phí một lần nhưng thứ gia đình nhận được vẫn chỉ là vô tâm. Phía nhà trường cũng tỏ ra thắc mắc không hiểu vì sau người ông lại không hỗ trợ chính cháu nội của mình.
Trong khi, trước đó vài năm, cha ruột của chị đã phải bán nhà để giúp đỡ con gái, cả gia đình ở trọ từ đó. Ngược lại, khi gặp khó khăn thì sự vô cảm của nhà chồng khiến chị Ngọc Thúy “oán giận”. Nhân vật cho rằng, việc chồng bị ghẻ lạnh từ khi cha mẹ chồng sinh thêm con. Chồng luôn mặc cảm vì bản thân mang bệnh trong người.
Lắng nghe câu chuyện, tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng có thể cha mẹ sẽ kỳ vọng vào những đứa con mà ở đó, cha mẹ đỡ phải bận lòng hơn. Nhất là khi chồng chị Thùy bị bệnh tim nhưng lại chọn nghề đá bóng, môn thể thao cần nhiều sức khỏe lại càng khiến cha mẹ lo lắng. Và khi tự lựa chọn ước mơ mà không màn đến nỗi lo của cha mẹ thì cha mẹ có thể lựa chọn “bỏ mặc” đứa con đó.
Một món đồ vật khác mà nhân vật mang theo là bệnh án của chính mình, gắn với từ khóa “bất lực”. Chị Ngọc Thùy kể, mình vừa mất con không lâu, đó cũng không phải lần đầu tiên nên chị cảm thấy bất lực, tức giận vì bản thân. Với chị, việc mang thai giống như “địa ngục”, vì bác sĩ kết luận cơ địa chị không khỏe, đó là lý do nhiều lần mất con. Việc trải qua nỗi đau như vậy khiến Ngọc Thùy luôn tự trách và không vui. Cùng với những tổn thương từ phía gia đình chồng, khiến cho nữ nhân vật cảm thấy mệt mỏi, áp lực.
Cuối chương trình, chị Thùy thừa nhận bản thân có nhiều “oán giận”, song đó chỉ là cảm xúc bên trong chứ chị chưa bao giờ bắt chồng mình phải làm điều gì sai trái với gia đình. Với chị, con có thể thiếu thốn sự quan tâm bên nội nhưng chị và chồng luôn cố gắng để con cảm nhận được hạnh phúc từ chính cha mẹ ruột của mình.