Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của “Thánh đột nhập” Đức Anh khiến Tô Nhi A xót xa
Tập 1 chương trình Vali Cảm Xúc vừa lên sóng vào lúc 19h30 thứ 6 ngày 12/4/2024, với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A. Khách mời đầu tiên đến với chương trình là Tiktoker Đức Anh, người gắn với biệt danh “Thánh đột nhập” khi liên tục có những video đột nhập nhà các nghệ sĩ nổi tiếng. Trong chương trình, Đức Anh kéo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn gắn với đời mình.
Vừa xuất hiện, Đức Anh đã được Tiến sĩ Tô Nhi A dành lời khen vì vẻ ngoài trẻ trung, năng động. Nam Tiktoker cho hay, bản thân vốn tự ti vì quá ốm nên lúc nào cũng phải mặc nhiều lớp quần áo để tự tin hơn. Nhắc đến chiếc vali mà mình mang theo, Đức Anh cho biết có nhiều đồ vật được lưu giữ nhiều năm nhưng anh vẫn giữ gìn, kể cả những đồ vật gắn với cảm xúc không vui thì bản thân vẫn giữ lại và thi thoảng sẽ ngồi “ngắm nhìn” những cảm xúc đấy.
Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng thói quen này của Đức Anh chứng tỏ anh chàng đang khá bình an. Nam Tiktoker thừa nhận hiện tại bản thân có cuộc sống bình an. Tuy nhiên, để có ngày hôm này thì anh chàng có hơn 20 năm trải qua cuộc sống không hề bình an. Mở vali ra, đồ vật đầu tiên là Đức Anh mang theo chính là hủ muối vừng, và từ khóa gắn với nó là “áp lực”. “Thánh đột nhập” cho biết bản thân đã phải đối diện với áp lực kinh tế trong suốt một quãng thời gian rất dài.
Đức Anh nói: “Từ khi tôi sinh ra đã quay vào ô mất lượt. Tôi không biết cha mình là ai. Mẹ thì không có sữa, lúc đó mẹ sinh tôi khi đã ngoài 40 tuổi và cũng không có bất kỳ một điểm tựa kinh tế nào để tôi phát triển về mặt thể chất như một em bé bình thường.
Tôi lớn lên hoàn toàn phụ thuộc vào sữa ngoài do bà ngoại chắt chiu từng đồng để mua. Và ngày bé tôi hoàn toàn ở với bà ngoại và các bác để mẹ đi làm xa. Trước khi mỗi lần mẹ tôi đi làm giúp việc ở xa thì mẹ sẽ giã sẵn một hũ muối vừng để lại cho tôi ăn vào mỗi bữa cơm”.
Tuy nhiên, thời gian mẹ đi làm xa kéo dài từ nửa năm đến một năm mới về, muối vừng lại chỉ có thể ăn được vài ngày đã hết, lại không có nhiều dinh dưỡng khiến cho Đức Anh thiếu chất, suy dinh dưỡng ngay từ nhỏ.
Nam Tiktoker luôn nhớ rằng tuổi thơ mình thuộc diện học sinh nghèo, lại thường xuyên bị bạn bè chê cười. “Nhiều khi thầy cô bạn bè để ý đến mình nhiều hơn thì tôi nghĩ mọi người đang thương hại tôi. Và khi nói chuyện với mọi người thì tôi luôn được nhắc nhở rằng nên nhìn lại hoàn cảnh của mình, nhà thì sắp sập rồi mà nếu không cố gắng thì sẽ không thành người được.
Những câu nói đó ăn sâu vào trong tiềm thức tôi rằng nhà mình rất nghèo, giống như mình ở đáy xã hội từ những ngày bé vậy. Vì vậy mà tôi luôn cố gắng học thật giỏi nhiều hơn để mọi người chú ý đến mình vì mình giỏi chứ không phải vì mình nghèo”, Đức Anh bộc bạch.
Nếu ý nghĩa của hũ muối vừng của Đức Anh khiến nhiều người đồng cảm thì chiếc máy ảnh gắn với từ khóa “thực dụng” khiến Tiến sĩ Tô Nhi A khá bất ngờ. Cô cho rằng, một món đồ liên quan đến nghệ thuật, thiên nhiều về cảm xúc thường không nên gắn với từ thực dụng.
Đức Anh cho biết, ngay khi anh có kiếm được tiền đã quyết định mua cho mình một chiếc máy ảnh mà bản thân hằng mơ ước, nó là một phần động lực để anh phấn đấu nên gắn với từ thực dụng. Đức Anh nói thêm, từ sự thiếu thốn lúc nhỏ mà anh học cách ghét những thứ mình không thể có dù rằng rất thích nó.
Tuy nhiên, khi nhắc đến cha ruột, Đức Anh khẳng định bản thân chưa một ngày nào ghét cha. “Đến bây giờ tôi vẫn nhắn tin chúc tết cha, tôi vẫn cố tìm cách liên lạc một cách đơn phương. Mẹ vẫn hỏi về cha, khuyên tôi thi thoảng hãy hỏi thăm động viên cha mình”, Đức Anh kể.
Từ khi sinh ra đến lớn lên, Đức Anh chưa từng gặp mặt cha ruột của mình, nhờ bạn bè của mẹ mà anh tìm được số điện thoại của cha. “Thánh đột nhập” kể: “Tôi đã nhắn tin hỏi thăm, chúc sức khỏe cha và tôi đã rất bất ngờ khi được cha kết bạn.
Sau đó khi tôi gửi một video mà tôi tâm sự của mình trên truyền hình về tuổi thơ khó khăn thì chỉ nhận lại 2 câu thơ và bị chặn tin nhắn ngay sau đó. Dù vậy nhưng cha vẫn thi thoảng bày tỏ cảm xúc hoặc bình luận dưới các bức ảnh của tôi, với tôi bao nhiêu đó đã rất vui rồi. Tôi cũng không biết mình nên làm gì thêm nữa vì tôi sợ có thể bản thân sẽ ảnh hưởng đến thêm nhiều người khác nữa”.
Với chiếc túi đeo chéo gắn với từ khóa “thừa nhận” mà Đức Anh mang theo, anh tâm sự: “Từ thừa nhận là từ mà tôi theo đuổi từ nhỏ cho đến bây giờ. Tôi luôn mong muốn có được sự thừa nhận của tất cả mọi người, và nhất là từ những người thân của mình. Mọi người dành cho tôi rất nhiều lời dè biểu, sự nghi ngờ với nghề nghiệp mà tôi đang làm. Họ nói nghề nghiệp của tôi lông bông, không ra gì”.
Tiến sĩ Tô Nhi A nói: “Công việc của Đức Anh đang theo đuổi là một việc làm chân chính, cũng phải rất vất vả để suy nghĩ về nó nhưng lại vẫn nghe mọi người gọi là ‘cái thằng tiktoker’. Nghề sáng tạo nội dung cần được thừa nhận khi đó là một công việc chân chính và kiếm ra được tiền để lo cho gia đình. Tuy nhiên, để được thừa nhận thì phải là sáng tạo nội dung, phải có sự sáng tạo và phải tạo ra nội dung thật sự”.
Tiến sĩ Tô Nhi A bày tỏ sự cảm thông và hiểu cho khát khao muốn được thừa nhận của Đức Anh. Cô cho rằng việc dư luận không tốt là vì vẫn có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, có những người làm méo mó cụm từ “sáng tạo nội dung” để làm nghề, họ không có sự sáng tạo, và các sản phẩm được tạo ra lại không có nội dung.
Điều đó ảnh hưởng đến những người đang sáng tạo nội dung hàng ngày. Tiến sĩ nói thêm, người thân không luôn ở cạnh để nhìn thấy sự phát triển của Đức Anh, vì vậy nam Tiktoker không nên kỳ vọng ở ngoài nữa mà ngược lại tự thừa nhận những gì mình làm được cũng như chưa làm được để bản thân bớt hoang mang và không bị phụ thuộc bởi đánh giá của người khác nữa.
Sau khi trò chuyện với Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, Đức Anh quyết định bỏ đi từ khóa “tự ti” ra khỏi vali cảm xúc của mình. Đồng thời, anh chàng cũng hứa rằng bản thân sẽ tập cách tự thừa nhận về mình, không bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói nữa.