Các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của Mái Ấm Gia Đình Việt
Mái Ấm Gia Đình Việt là một chương trình truyền hình thực tế hướng đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đến nay, chương trình đã đi qua 32 tỉnh thành, hỗ trợ cho 246 gia đình với tổng số tiền lên đến hơn 8 tỷ đồng. Trong chương trình, các em nhỏ sẽ cùng các nghệ sĩ khách mời vượt qua những thử thách để mang về những khoản tiền có giá trị để cải thiện cuộc sống bớt vất vả hơn.
Bên cạnh sứ mệnh chính là “mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng”, Mái Ấm Gia Đình Việt còn mang theo mong muốn giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa những giá trị đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, BTC đã đồng thời lồng ghép, đổi mới một số trò chơi dân gian vào các thử thách trong chương trình vừa nhằm tạo không khí vui tươi, thú vị vừa giúp gợi nhắc những ký ức tuổi thơ, những nét đẹp văn hóa cho các em nhỏ, các nghệ sĩ và khán giả.
Một trong những trò chơi dân gian tiêu biểu từng xuất hiện trong chương trình Mái Ấm Gia Đình Việt là trò “ném còn”. Đây là một trò chơi dân gian quen thuộc trong các dịp lễ hội đầu năm của các dân tộc Tày, Thái, Mường... sinh sống chủ yếu ở Tây Bắc. Trò chơi này vẫn được bà con vùng cao lưu giữ trong quá trình di cư từ phía bắc vào khu vực Tây nguyên sinh sống.
Bên cạnh trò ném còn, thì bịt mắt đập niêu cũng khiến nhiều người thích thú. Người chơi bị bịt kín mắt bằng một tấm vải dày, hoàn toàn không nhìn được bên ngoài. Do bị bịt mắt nên nhiều người chơi đã đi chệch hướng so với ban đầu, tạo nên những tình huống cười nghiêng ngả cho người xem.
Trò chơi đòi hỏi người chơi phải có sự tập trung cao độ, lắng nghe và chọn lọc thật kỹ những lời hướng dẫn, nhắc nhở của khán giả. Nhiệm vụ tuy nhẹ nhàng nhưng đây lại là thử thách khá lớn đối với người chơi. Tuy nhiên, với chiến thuật hợp lý và sự bình tĩnh cũng có người chơi đập vỡ được niêu đất trước sự reo hò, cổ vũ của khán giả.
Không biết từ khi nào, thi nấu cơm đã trở thành một trong những trò chơi dân gian quen thuộc tại các làng quê ở Bắc Ninh. Ngày nay, thi nấu cơm trở nên phổ biến hơn khi xuất hiện nhiều trong các buổi vui chơi hội trại, sinh hoạt cộng đồng ở nhiều nơi trên cả nước.
Tuy nhiên, cách thức tổ chức, quy định về người chơi, luật chơi… khi tham gia thi nấu cơm ở mỗi nơi lại có những nét riêng. Có nơi cuộc thi nấu cơm được chia riêng theo đội nam, đội nữ với 3 công đoạn tách biệt rõ ràng: thi lấy nước, thi kéo lửa và thi nấu cơm. Có nơi, các công đoạn khi nấu cơm được thực hiện liên tục, các thành viên trong đội nối tiếp nhau thực hiện.
Tại Mái Ấm Gia Đình Việt, phần thi nấu cơm trở thành thử thách đặc biệt trong tập 23. Theo đó, hai nghệ sĩ Ngọc Lan và Huỳnh Lập đã kết hợp cùng em Nguyễn Thế Hào thực hiện thử thách. Trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả cùng MC Quyền Linh, người chơi đã lần lượt hoàn thành các công đoạn lấy gạo, kéo lửa đến thổi cơm trong vòng 3 phút 50 giây, mang về 3 bảng logo với số tiền thưởng trị giá 70 triệu đồng cho gia đình em Nguyễn Thế Hào.
Một trò chơi dân gian khác khá phổ biến chính là trò “bịt mắt bắt vịt”. Theo đó, BTC sẽ chọn những con vịt to, khỏe để chúng có thể chạy nhanh. Người chơi sẽ bị bịt mắt, đứng bên trong khu vực thả vịt, con vịt sợ hãi kêu và chạy loạn xạ.
Người bắt vịt cứ theo tiếng vịt kêu mà chạy theo bắt. Ở Mái Ấm Gia Đình Việt tập 16, khán giả được phen cười thích thú khi thấy ca sĩ Ngọc Sơn và diễn viên Diễm My 9x bị bịt mắt, chạy loạn xạ để bắt vịt. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình của mình, hai nghệ sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ sau hơn 3 phút thực hiện, giúp gia đình em Trần Minh Đức rút được 3 logo với tổng số tiền thưởng là 60 triệu đồng.
Có thể thấy, chương trình Mái Ấm Gia Đình Việt không dừng lại ở việc chia sẻ khó khăn với những mảnh đời khó khăn mà luôn khéo léo lồng ghép những trò chơi dân gian vào các thử thách với mong muốn góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các em nhỏ không chỉ được giúp đỡ về mặt kinh tế mà còn có được những phút giây giải trí, thoải mái thể hiện tài năng, sự khéo léo của bản thân khi tham gia các trò chơi này.