MC Hồng Phúc đưa Đoàn Bảo Ân khám phá nghề làm lân tại TP.HCM
Tập 23 chương trình Bách nghệ kỳ thú đã lên sóng lúc 19h30 thứ 6 vừa qua trên kênh HTV7. Tuần này, MC Hồng Phúc sẽ là người làm nhiệm vụ kết nối, dẫn dắt và đưa khách mời là diễn viên Đoàn Bảo Ân tham gia hành trình tìm hiểu nghề làm lân - sư - rồng tại TP. HCM.
Mở đầu Bách nghệ kỳ thú tuần này, MC Hồng Phúc và diễn viên Đoàn Bảo Ân tìm đến cơ sở sản xuất lân - sư - rồng Thuận Anh Hãng để tìm hiểu về nghề truyền thống đặc biệt này. Tại đây, cả hai được gặp anh Bành Chí Hùng, chủ cơ sở và là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tạo ra những chiếc đầu lân ý nghĩa dịp lễ tết.
Theo anh Hùng, anh đã yêu thích múa lân ngay từ khi mới 10 tuổi và thường xuyên theo các đội múa lân để xem. Sau được cha mẹ cho theo học múa lân, đến năm 15 tuổi thì bắt đầu học nghề làm lân, rồng. Trước khi đứng ra mở xưởng, anh Hùng từ đi học nghề đến gắn bó với công việc này đã hơn 20 năm. Từ đứa trẻ yêu nghệ thuật múa lân đến việc mở xưởng, đưa đam mê thành nghề nghiệp hằng ngày của anh Hùng khiến Hồng Phúc và Đoàn Bảo Ân thích thú.
Theo anh Hùng chia sẻ, để tạo ra một bộ khung lân hoàn chỉnh phải mất từ 1-3 ngày tùy vào độ phức tạp. Khó nhất của công đoạn này là lúc uốn tạo các đường cong làm sao để không bị gãy, tạo ra sự chắc chắn và độ chính xác cao nhất. Bộ khung với kết cấu phức tạp gồm các mối nối từ tre, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, cần mẫn. Sau khi hoàn thành xong bộ khung, người thợ dán từng miếng vải màn, giấy xuyến lên đầu lân đã được định hình sẵn bằng hồ và keo. Đầu lân sẽ được kiểm tra, tô lại phần giấy dán rồi đem phơi nắng khoảng 1 ngày.
Tiếp đến là công đoạn vẽ đầu lân. Vẽ đầu lân là giai đoạn quyết định thần thái của con lân. Quan trọng nhất là vẽ phần mắt lân, thường gọi là “khai quang điểm nhãn” vô cùng quan trọng bởi nó có thể thể hiện được sự buồn, vui của con lân. Đầu lân - sư đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo các yếu tố: Màu sắc đẹp, khung chắc chắn, mắt có hồn. Bên cạnh việc chế tác theo quy trình truyền thống, người nghệ nhân cũng thường xuyên khảo sát nhu cầu thị trường để tạo ra các mẫu đầu lân - sư hợp thị hiếu khách hàng.
Trong buổi trò chuyện, anh Hùng tự hào vì nghệ thuật múa lân đang ngày được ưa chuộng nhiều hơn bởi nó thể hiện sự may mắn, tài lộc cho không chỉ lễ tết mà còn trong những dịp khai trương cửa hàng, tân gia… Anh vui vì các sản phẩm đầu lân của mình không chỉ được đón nhận trong nước mà nhiều khách hàng nước ngoài cũng tìm đến để nhập hàng vì chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, anh Hùng cũng cho biết, nhờ đi dạy múa lân mà anh quen được bà xã hiện tại rồi cùng nhau xây dựng được cơ ngơi như hôm nay.
Nghe vậy, Đoàn Bảo Ân liền bày tỏ mong muốn học nghề ngay để được giao lưu thêm nhiều người, tranh thủ cơ hội tìm bạn gái khiến MC Hồng Phúc cười thích thú. Sau đó, Đoàn Bảo Ân được tìm hiểu về các công đoạn cụ thể cũng như tự tay trải qua các bước để tạo ra một đầu lân thủ công. Nam khách mời được anh Hùng đích thân cầm tay hướng dẫn từng nét bút khi vẽ đầu lân. Dù là lần đầu tiên làm nghề, nhưng sự chăm chú và ham học hỏi của Đoàn Bảo Ân đã chiếm được thiện cảm của “thầy giáo” Hùng.
Có thể thấy, lân - sư - rồng không chỉ là môn nghệ thuật mà đây còn là 3 linh vật tượng trưng cho phát tài, may mắn, bình an, hạnh phúc và sự hanh thông trong năm mới. Vậy nên, cứ vào những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết nguyên đán và trung thu đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh lân, rồng hay ông địa với điệu múa vui nhộn, vừa mang ý nghĩa tâm linh ở khắp các đường làng, ngõ xóm. Vì thế, tạo hình lân luôn được chăm chút tỉ mỉ từ trang phục đến kỹ thuật tạo hình.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới xuất hiện trong các dịp lễ tết. Tuy nhiên, loại hình truyền thống múa lân - sư - rồng vẫn luôn có sức sống bền bỉ. Bởi nó không chỉ mang trong mình vẻ đẹp văn hóa, truyền thống mà còn ở sự giản dị, gần với đời sống mọi người.