'Nhiều tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ không hơn gì trí tuệ nhân tạo sáng tác’
Nhà sản xuất truyền thông số cho “kỳ lân” Việt Sky Mavis (công ty phát triển tựa game nổi tiếng Axie Infinity), Trương Huyền Đức nhận định những họa sĩ không đủ khả năng và chuyên môn sẽ sớm bị thay thế và xóa sổ khỏi ngành bởi trí tuệ nhân tạo AI vì công nghệ này đang làm tốt công việc sáng tạo nghệ thuật.
Trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2022 được tổ chức vào chiều ngày 23/11, ông Trương Huyền Đức chia sẻ: “Phải học tập và thựchành từ 5-10 năm thì những nghệ sĩ minh họa mới cho ra các tác phẩm chất lượng.Trong tương lai, các công cụ tạo hình được ứng dụng các công nghệ mới như AI sẽ trở nên đa dạng hơn, giúp những người làm trong lĩnh vực sáng tạo không cần hiểu quá nhiều về máy tính và nghệ thuật mà chỉ cần đưa ra ý tưởng để tạo ra những hình ảnh truyền tải đến mọi người”.
Ngoài ra, nhà sản xuất truyền thông số Trương Huyền Đức cũng chỉ trích việc ăn cắp chất xám, phong cách sáng tác của người khác hay hình ảnh của những người nổi tiếng để tạo ra các video mang nội dung tiêu cực khiến nhiều người quan ngại về AI.
Lý giải lập luận trên, ông Đức nên rõ quan điểm ứng dụng AI không khác gì một đứa trẻ. Những điểm không hay của trí tuệ nhân tạo, gây ảnh hưởng đến người khác, tạo nên nhiều cuộc tranh cãi trong giới nghệ sĩ đều xuất phát từ con người đặt lệnh vào nó. “Chính con người đã sử dụng AI vào các mục đích không trong sạch còn bản chất công nghệ thì không có gì xấu”, ông nói.
Khi được báo Doanh Nhân Trẻ đặt vấn đề: “Liệu nghệ sĩ có bị thay thế bởi AI?”. ông Trương Huyền Đức trả lời rằng việc này vừa đúng cũng vừa sai. Đúng là khi họa sĩ thiếu chuyên môn hoặc chuyên môn chưa tốt.
“Tôi đã gặp nhiều họa sĩ, từ những người không có tên tuổi đến những người nổi tiếng trong giới, các tác phẩm và phương pháp của họ không hơn gì AI. Sở dĩ họ bán được là chủ yếu nhờ vào truyền thông, quảng cáo. Bản chất của các tác phẩm này là họ lấy cái này trộn cái khác, cắt ghép vào. Nhóm đó bị thay thế cũng là điều dễ hiểu”, ông chia sẻ.
Theo ông Trương Huyền Đức, các nghệ sĩ có các tác phẩm mang chủ đề và nội dung sâu sắc, ấn tượng, AI sẽ tốn nhiều thời gian để học và nạp dữ liệu thì khi đó, vị trí trong giới của họ đã vững vàng. Ông cũng cho biết những người làm nghệ thuật chân chính này cũng luôn đứng lên một cách mạnh mẽ, chống lại AI.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, nhà sản xuất truyền thông số Trương Huyền Đức nói rõ là ông không cổ xúy hay chống lại trí tuệ nhân tạo. Ông còn nhấn mạnh thêm không có việc gì AI làm được mà con
người không làm được. AI chỉ là sản phẩm do con người tạo ra để nâng cao hiệu
suất công việc.
Được biết, ông Trương Huyền Đức có biệt danh là “fxEVO” một cái tên không hề xa lạ với làng thiết kế, nghệ thuật. Ông từng hợp tác với nhiều hãng phim và công ty game nổi tiếng như: 20th Century Fox, Riot, Bethesda Softwork, Blizzard… trong các dự án phim đình đám như Star Wars Rogue One, Star Wars The Last Jedi, Thor Ragnarok, Blade Runner 2049…
Hiện tại, ngoài làm việc cho “cha đẻ” tựa game Axie Infinity, Sky Mavis, ông còn là cố vấn Hội đồng Khoa học Công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh AMPAS (đơn vị tổ chức giải
thưởng Oscar).
Đầu tháng 9/2022, bức tranh miêu tả buổi diễn opera “Théâtre D'opéra Spatial” thu hút sự chú ý của nhiều nghệ sĩ cũng như giới truyền thông bởi những đường nét sắc sảo cùng với các chi tiết công phu và tỉ mỉ. Ngay sau đó tác giả của bức họa này cho biết nó được vế hoàn
toàn bằng AI đã khiến giới nghệ thuật bức xúc tột độ và kêu gọi tẩy chay công nghệ này.
Cộng đồng nghệ thuật Fur Affinity thông báo người dùng không được đăng tác phẩm do AI vẽ vì "thiếu giá trị nghệ thuật". Theo các chuyên gia, nhiều cá nhân, tổ chức làm về lĩnh vực sáng tạo đang phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại: AI có thể vẽ các tác phẩm nhanh gấp hàng nghìn lần con người, một GPU đủ mạnh có thể cho ra hàng nghìn ảnh mỗi giờ, ngay cả khi ngủ.
Trước những tranh cãi và chỉ trích trên, không thể phủ nhận những cống hiến mà AI dành cho hội họa. Giữa tháng 9, công ty chuyên nghiên cứu về máy học tại đại học London (Anh), Oxia Palus đã “đào tạo” một AI để nó có thể tái tạo lại một cách chính xác các bức họa bị thất lạc trong nhiều thập kỷ qua của nhiều danh học nổi tiếng như Vincent van Gogh, Leonardo da Vinci, Diego Velázquez, Giotto,... Không chỉ vậy, vào tháng 10 năm ngoái, công ty này đã dùng AI kết hợp với tia X và kỹ thuật in 3D để phục dựng bức tranh khỏa thân nằm bên dưới họa phẩm “The Blind Man's Meal” (tạm dịch: Bữa ăn của người đàn ông mù) thuộc về Pablo Picasso, một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha.