Làm sao để điện ảnh Việt không bị 'hoà tan' giữ thời 'bùng nổ' khoa học kỹ thuật?
Tại buổi tọa đàm Cine Talk, đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cùng chuyên viên tư vấn pháp lý Hương Trần đã chia sẻ về cơ hội của điện ảnh Việt giữa thời buổi các nền tảng giải trí trực tuyến ngày càng phát triển.
Nền điện ảnh, phim ảnh nói riêng và ngành giải trí nói chung là một trong những lĩnh vực phát triển tiềm năng. Không chỉ giúp quốc gia thu về doanh thu lớn, đóng góp vào GDP chung mà nó còn mở ra con đường đưa hình ảnh của đất nước phổ biến đến thế giới.
Xuất hiện trong buổi tọa đàm Cine Talk, MC Thu Hà cùng đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn và chuyên viên tư vấn pháp lý Hương Trần đã có những chia sẻ thiết thực về tương lai của ngành điện ảnh Việt Nam trong thời buổi “bùng nổ” các dịch vụ giải trí trực tuyến. Đồng thời, họ cũng nhìn nhận những thách thức và cơ hội riêng nếu người nghề biết nắm bắt sự vận động của thời cuộc.
Thời gian trở lại đây, đặc biệt là 2 năm sau dịch covid, nhu cầu sử dụng VOD của người dân tăng cao đã tạo ra nhiều vấn đề đáng bàn luận trong giới làm phim.
Đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hòa nhìn nhận thực tế rằng các nền tảng OTT đang dần “xâm chiếm” sâu rộng vào đời sống giải trí của khán giả và đặt ra nhiều “đề bài” khó cho các nhà làm phim:
“Nhìn vào góc độ thực tế là sau mùa dịch, số lượng người xem VOD, xem những bộ phim trên nền tảng theo nhu cầu trả phí bắt đầu tăng. Điều này thay đổi khá nhiều quan niệm xem phim của người Việt mình từ trước đến nay. Những platform (nền tảng) như thế cũng là thách thức đối với những người làm phim điện ảnh như tụi anh vì phải đem nhiều cái mới hơn đến rạp chiếu. Nhưng đồng thời nó cũng mở ra nhiều cơ hội cho các dòng phim mới để những nhà sáng tạo, nhà làm phim phát triển”.
Trước áp lực từ sự phát triển quá nhanh của các nền tảng giải trí trực tuyến, những nhà làm phim Việt nhận ra họ không chỉ cạnh tranh với tác phẩm cùng chiếu rạp mà còn phải đối đầu với tác phẩm được sản xuất theo hình thức “original series” thuộc nền tảng OTT.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ từ khi Luật điện ảnh được sửa đổi đã tạo cơ hội cho nhiều khán giả tiếp xúc gần hơn với điện ảnh: “Tôi nghĩ rằng tư duy tìm kiếm và sự phát triển trong điện ảnh thể hiện rõ qua những thay đổi trong Luật điện ảnh 2022. Ví như chúng ta có nhiều Hội đồng thẩm định hơn, đồng thời cho phép các địa phương tổ chức các Liên hoan phim, trong đó có cả Liên hoan phim quốc tế”.
Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Võ Thanh Hòa bổ sung: “Từ năm 2014 thì anh cảm thấy Hội đồng kiểm duyệt của mình ngày càng “update” tốt hơn, dễ hơn, sau này cũng có nhiều quy định được mở rộng thoải mái hơn. Thực tế ở nước ngoài, anh thấy có nhiều bộ phim gắn mác 23+ chứ không chỉ là 18+. Cái này tùy theo quy định mỗi nơi khác nhau”.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho các nhà làm phim, nhất là các nhà làm phim trẻ. Điều dễ nhận thấy nhất là họ có nhiều không gian để thử sức và phát triển tài năng. Đồng thời, những tác phẩm điện ảnh cũng có thêm một nơi để quảng bá trên không gian mạng.
Chuyên viên tư vấn pháp lý Hương Trần chia sẻ không gian mạng là một nơi giúp phổ biến phim vừa mới lạ vừa hữu ích: “Quy định về việc phổ biến phim trong Luật điện ảnh cũng khá hay, vì có tới 5-6 hình thức phổ biến phim. Có thể là phổ biến phim trên truyền hình, ở ngoài rạp hoặc trên không gian mạng cũng là một điểm rất mới”.
Có thể thấy, việc tận dụng không gian mạng để phát triển phim ảnh là một điều hữu ích. Tuy nhiên cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trong khâu quản lý, kiểm duyệt để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Một khi có được sự bình đẳng này thì nó sẽ mở ra cơ hội đưa điện ảnh Việt nói riêng và giải trí nước nhà nói chung vươn tầm thế giới.