Người Sài Gòn ngạc nhiên với sự xuất hiện của “sách không chữ” tại đường sách Tết 2022
Nếu Hà Nội có tàu Cát Linh – Hà Đông gây sốt thì Sài Gòn vừa xuất hiện “Toa tàu tương lai” đặc biệt ngay tại đường sách Tết 2022 – Nguyễn Văn Bình. Không chỉ vậy, booth trải nghiệm “Sách không chữ - Sách nói" cũng lần đầu có mặt tại đường sách Tết Nguyễn Huệ. Đây hứa hẹn là hai điểm check-in “hot” cho mọi người vào dịp Tết Nhâm Dần.
Khi cuộc sống đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới” tại TP.HCM, Tết Nhâm Dần cũng đầy sức sống hơn với nhiều lựa chọn giải trí cho người dân. Năm nay, thành phố tổ chức Lễ hội Đường sách Tết 2022, từ ngày 29.1 đến 4.2 với chủ đề “Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái”.
Trong đó, sự kiện sẽ diễn ra tại hai nơi là đường sách truyền thống Nguyễn Văn Bình và đường sách xuân Nguyễn Huệ. Tại cả hai địa điểm này, lần đầu tiên mọi người sẽ được trải nghiệm nghe sách nói, loại hình xuất bản đang rất được ưa chuộng gần đây. Đường sách Tết trên đường Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên có một “Toa tàu tương lai” với thiết kế bao quanh bởi ánh sáng sẽ là điểm thu hút người trẻ đến check-in và trải nghiệm sách nói.
Anh Lê Hoàng Thạch (Giám đốc Điều hành Voiz FM) người mang đến trải nghiệm nghe “sách không chữ, sao không thử” tại hai con đường sách Tết Nhâm Dần. Anh từng thu hút sự chú ý của truyền thông khi từ chối hơn nửa triệu đô trên chương trình “Shark Tank”. Anh chia sẻ: “Với “Toa tàu tương lai” và booth “Sách không chữ” năm nay, tôi hy vọng người dân TP.HCM sẽ có thêm điểm đến mới mẻ, thú vị. Không gian đường sách vốn đã quá quen thuộc với mọi người, nhưng năm nay sẽ càng đặc biệt khi mọi người lần đầu được trải nghiệm những tựa sách nói bán chạy nhất, chất lượng nhất tại đây. Tôi mong điểm đến đặc biệt trong Tết này sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc đến mọi người”.
Bạn Ngọc Điệp (huyện Bình Chánh) sau khi check-in tại đây đã bày tỏ sự hào hứng: “Dù đến đường sách Nguyễn Văn Bình nhiều lần, nhưng Tết này vẫn rất ấn tượng với toa tàu “nghe sách không chữ, sao không thử”. Ấn tượng về toa tàu này chính là thiết kế không gian nhiều ánh sáng, với các thiết bị thông minh để nghe nhiều dòng sách khác nhau. Chắc chắn mình sẽ tải Voiz FM về để dùng thử, cũng như giới thiệu cho bạn bè”.
Còn tại đường sách Tết ở đường hoa Nguyễn Huệ cũng lần đầu xuất hiện booth trải nghiệm “Sách không chữ” của Voiz FM được thiết kế như một “thư viện ánh sáng” lung linh, thoáng đãng. Với sự phát triển của audiobook gần đây, cũng như cuộc vận động chuyển đổi số trong ngành xuất bản, việc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM có chủ trương trưng bày loại hình này ở đường sách Tết đã thu hút mọi người nói chung và người trẻ nói riêng, mang hơi thở hiện đại vào việc khuyến khích phát triển văn hóa đọc.
Trong đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh vừa qua, mọi người cũng có nhiều thay đổi trong thói quen đọc sách. Ngoài sách bản cứng quen thuộc, sách nói cũng là lựa chọn hợp lý vì dễ thanh toán có thể hạn chế việc tiếp xúc, có nhiều lựa chọn đầu sách hơn. Theo khảo sát của We Are Social, tại thị trường Việt Nam chỉ tính riêng năm 2020 đã có 40% dân số trưởng thành, tức gần 30 triệu người, có hành vi nghe audio contents (sách nói, podcast, radio) qua mạng.
Anh Lê Hoàng Thạch cho biết thêm: “Tất nhiên, việc ra mắt toa tàu tương lai này sẽ đảm bảo sách bản quyền để người nghe có trải nghiệm tốt nhất. Việc ra mắt hai không gian nghe sách này cũng góp phần thúc đẩy vấn đề bản quyền sách nói, vốn đang nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Tôi tin không chỉ mọi người nói chung hay giới trẻ nói riêng vẫn rất yêu sách và ủng hộ văn hóa đọc, bản quyền sách”.
Đường sách Tết luôn là nơi mà mọi người hào hứng đến tham quan mỗi dịp xuân về. Với sự xuất hiện của “Toa tàu tương lai” và booth “Sách không chữ” sẽ mang đến nhiều bất ngờ như một trạm dừng để mọi người được thưởng thức những đầu sách bản quyền. Ngoài ra, mọi người có thể quét mã QR để trải nghiệm miễn phí 7 ngày nghe sách miễn phí trên ứng dụng nghe sách bản quyền Voiz FM. “Toa tàu tương lai” và booth “Sách không chữ” mới lạ giữa con đường sách truyền thống càng tăng thêm không khí rộn ràng của những ngày Tết Nhâm Dần.