Lừa đảo bằng hình thức đặt cọc chuyển nhượng đất đối diện với mức phạt nào?
Mặc dù không đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bà Nguyễn Thị Hồng vẫn nhận tiền đặt cọc. Quá thời gian giao dịch, bà Hồng không giao đất, đồng thời cũng không trả lại tiền đặt cọc cho người mua.
Trong đơn kêu cứu gửi đến cơ quan Chuyên trang Pháp luật và Bạn đọc, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1986) hiện trú tại phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trình bày: Vào ngày 16/10/2021, qua người quen giới thiệu, bà Trâm có biết bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1971, trú tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) là người đang cần chuyển nhượng đất.
Bà Hồng cho biết hiện đang là chủ sở hữu 4 thửa đất tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là đất trồng cây lâu năm, không có tranh chấp, không nằm trong quy hoạch. Bà Hồng cần chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4 thửa đất trên với giá 2 triệu đồng/1m2, tổng giá trị chuyển nhượng 4 thửa đất là 19.715.800.000 đồng.
Do tin tưởng người quen giới thiệu, ngày 18/10/2021, bà Trâm đã thực hiện "Hợp đồng đặt cọc" và chuyển cho bà Hồng số tiền 5 tỷ đồng (tiền cọc 4 thửa đất), đồng thời hẹn ngày 26/10/2021 hai bên cùng có mặt tại Văn phòng công chứng Thuận An, huyện Cam Lâm để thực hiện công chứng chuyển nhượng đất và thanh toán số tiền còn lại.
Tuy nhiên, đến ngày 26/10/2021 bà Hồng không có mặt như lời hẹn mà cử người phụ nữ tên Linh (không có giấy ủy quyền) tới Văn phòng công chứng Thuận An. Người này mang theo 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm và 2 giấy chứng nhận đất rừng sản xuất. Do tất cả đều không phải tài sản đứng tên bà Hồng nên hai bên không thể ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng.
Theo bà Trâm, trong Hợp đồng đặt cọc, hai bên có thỏa thuận: "Vì lý do hai bên không đạt được thỏa thuận như ban đầu nên hai bên ngừng giao dịch hợp đồng đặt cọc trên tinh thần tự nguyện và trong tình trạng tỉnh tảo. Sau khi bàn bạc, bên B (bên nhận đặt cọc) đồng ý trả lại cho bên A số tiền 5 tỷ đồng và không phải bồi thường khoản nào. Thời gian trả tiền đặt cọc theo ý nguyện của bên B vào ngày 01/11/2021".
Tuy nhiên đến hết ngày 09/11/2021, bà Hồng mới hoàn trả cho bà Trâm 2 tỷ đồng và hứa sẽ trả số tiền đặt cọc còn lại (3 tỷ đồng) chậm nhất vào ngày 20/11/2021. Thế nhưng đến nay, bà Hồng không thực hiện đúng như cam kết hoàn trả số tiền còn lại và bà Trâm đã nhiều lần liên hệ nhưng bà Hồng không có phản hồi.
Trao đổi với PV Pháp luật và Bạn đọc, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết, sau nhiều lần liên hệ nhưng không nhận được hồi âm, bà nghi mình bị lừa. Đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, bà Trâm mới biết bà Nguyễn Thị Hồng từng bị TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) tuyên phạt 15 tháng tù về tội trốn thuế vào tháng 10/2015.
Trước dấu hiệu của bà Hồng có hành vi muốn chiếm đoạt số tiền đặt cọc, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, Công an tỉnh Khánh Hòa đã nhận đơn tố cáo của bà Trâm và đang xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Minh Khánh – Công ty Luật TNHH Khởi Minh thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵngcho biết: Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là "tài sản" đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Như vậy, đặt cọc mua bán, chuyển nhượng đất đai là để bảo đảm cho việc chủ đất, người nhận chuyển nhượng (người mua) chuyển nhượng/ nhận chuyển nhượng thửa đất theo đúng những nội dung đã cam kết, thỏa thuận trước đó (nếu có).
Hiện nay, pháp luật không quy định hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, tuy nhiên bắt buộc phải được lập thành văn bản, có chữ ký hợp pháp của các bên. Do đó, trường hợp bà Hồng nhận đặt cọc để bảo đảm cho việc chuyển nhượng thửa đất nhưng không phải là chủ đất, không có giấy ủy quyền của chủ đất để nhận cọc thì bà Hồng không có quyền thực hiện việc nhận cọc để bảo đảm cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm.
"Trường hợp, nếu người nhận đặt cọc không phải chủ đất mà sử dụng hành vi hoặc thủ đoạn gian dối để làm cho người đặt cọc lầm tưởng người đó là chủ đất để chiếm đoạt tài sản của ngưởi đặt cọc thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Khung hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", Luật sư Khánh cho biết thêm.