Nghệ sĩ Việt tâm sự chuyện nghề trong chương trình “Vì an sinh thành phố - Netflix chung tay cùng nghệ sĩ”
Xuất hiện trong buổi giao lưu của chương trình “Vì an sinh thành phố - Netflix chung tay cùng nghệ sĩ”, MC Quyền Linh, Phan Xi Nê (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) và nữ diễn viên Trúc Anh đã có những chia sẻ về khó khăn, công việc suốt 5 tháng nghỉ dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung tâm an sinh Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình “Vì an sinh thành phố - Netflix chung tay cùng nghệ sĩ” sau khi giới thiệu đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tầng lớp dành cho người dân TP.HCM.
Đây cũng là cơ hội để nền tảng Netflix và các nghệ sĩ Việt có thể đồng hành cùng người dân thành phố bằng những hành động thiết thực, giúp đỡ bà con hướng đến mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, sớm ngày vượt qua đại dịch để lấy lại cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc.
Cuộc sống mùa dịch của nghệ sĩ
Xuất hiện trong chương trình giao lưu cùng MC Quyền Linh là bộ đôi đạo diễn - diễn viên trẻ nổi tiếng - Phan Xi Nê (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) và Trúc Anh. Được biết, đây cũng là bộ đôi từng có tác phẩm ra mắt trước thời điểm ngành điện ảnh Việt Nam bị ngưng trệ do đại dịch hồi tháng 5/2021.
Đạo diễn Phan Xi Nê cho biết, vì ở nhà suốt một thời gian dài nên sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, anh cũng không cảm thấy khác so với trước. “Việc đầu tiên mình làm là chạy về nhà thăm bố mẹ. Mấy tháng trời chỉ có thể nói chuyện trên ứng dụng online nên giờ quay lại cuộc sống bình thường mới được về thăm nhà. Công việc hiện giờ mình làm online chủ yếu nên dù có mở cửa nhưng mình vẫn ngại ra đường, nếu không có gì cần thiết thì sẽ hạn chế không ra ngoài”.
Cả Phan Xi Nê và Trúc Anh đều đồng ý là đặc trưng của người làm nghề liên quan đến phim ảnh đòi hỏi phải thường xuyên tụ tập đông đúc. Khi dịch bệnh xuất hiện, không chỉ những bộ phim đang chiếu bị “đóng băng” mà những dự án mới cũng không có cơ hội được thực hiện vì “mọi người không gặp nhau trực tiếp nên không thể bàn bạc được”.
Đối với Trúc Anh, cô cảm thấy không biết nên “sốc” hay buồn khi nhận tin bộ phim điện ảnh thứ hai sau sự thành công của “Mắt Biếc” (2019) là “Thiên thần hộ mệnh” bị ảnh hưởng rất lớn khi dịch bùng phát bất ngờ. Phim cũ không được chiếu mà phim mới cũng không thể quay nên Trúc Anh rất nhớ đoàn phim. Thời gian ở nhà, Trúc Anh thường dùng để trau dồi kỹ năng nấu nướng cũng như tham gia những hoạt động bổ sung kiến thức sức khoẻ và tập trung cho bài tập ở trường lớp.
Không chỉ Trúc Anh, một tác phẩm của Phan Xi Nê cũng nhận “trái đắng” do dịch bệnh chính là “Trạng Tí”. Nam đạo diễn tiết lộ vốn đầu tư của bộ phim này rất lớn, lại mới phát hành ngay dịp 30/4 được 3 ngày thì có lệnh giãn cách, buộc phải dừng lại. Nếu sau dịch có kế hoạch phát sóng thì các nhà đầu tư cũng cần chi thêm một số tiền không nhỏ để PR. Dự án mới không thể hoàn thành do không đủ điều kiện cũng như thiếu hụt nhân lực. Phan Xi Nê trải lòng tại toạ đàm của chương trình: “Dù giờ đã bình thường trở lại nhưng không biết bao giờ đoàn phim mới được phép quay. Nhiều anh em trong đoàn như quay phim, phụ quay có người tiêm đủ mũi nhưng cũng có người không. Như mình và Trúc Anh thì làm nghệ thuật nên xem như có thể tìm được nguồn sống khác, nhưng những anh em trong đoàn quay phim, làm gaffer thì nhiều tháng không có thu thập, cuộc sống khó khăn, một số người chuyển nghề về quê sinh sống, thành ra đã khó nay lại càng khó hơn”.
Anh em ‘nghề phim’ hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch
Có thể nói trong hoàn cảnh “dầu sôi lửa bỏng” đó, nhiều “anh lớn” trong nghề đã trực tiếp đứng ra an ủi, động viên tinh thần mọi người. Không chỉ bằng lời nói mà còn bằng nhiều hành động thiết thực để thực hiện “an sinh tinh thần”, giảm hoang mang, áp lực cho những người lao động trong ngành phim ảnh.
Phan Xi Nê cùng với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và một số anh chị em khác trong nghề đã kêu gọi thành lập một nguồn quỹ giúp đỡ những nhân viên làm việc ở lĩnh vực phim ảnh: “Lúc đó chúng mình giúp được khá nhiều người, có người trong nghề, cũng có người ngoài ngành, mình đọc tin nhắn xin giúp đỡ của họ thấy rất xúc động. Khán giả không thể tưởng tượng được là khó khăn thế nào, có những người bình thường nghĩ là họ không sao nhưng cuối cùng vẫn gửi xin giúp đỡ. Giúp đỡ thế này vừa hỗ trợ vật chất, cũng vừa là liều thuốc tinh thần để cùng nhau vượt qua khó khăn”.
Ngoài việc thành lập quỹ, Phan Xi Nê còn tiết lộ về tổ chức tên gọi “Cine House” dành cho những bạn trẻ có đam mê với nghệ thuật lĩnh vực phim ảnh. Trong thời buổi giãn cách không thể ra ngoài, mỗi buổi tối họ có thể dành thời gian tham gia workshop, giao lưu với anh chị lớn trong nghề để trau dồi kiến thức cũng như năng lực chuyên môn.
“Có những người như anh Charlie Nguyễn, Victor Vũ, chị Lê Khanh cùng rất nhiều anh chị em khác. Các bạn trẻ rất thích nghe và tập thành thói quen đến 7 giờ tối mỗi ngày là truy cập vào workshop để học hỏi, chia sẻ tâm tình. Nhiều buổi các bạn có hứng thú với khách mời còn giao lưu rất lâu, như buổi của chị Lê Khanh kéo dài đến tận 1 giờ sáng mà vẫn có bạn muốn nghe tiếp. Điều kiện chỉ cần mỗi bạn đóng 200 ngàn đồng, xem như mức phí chịu trách nhiệm cam kết tham gia và cũng là nguồn quỹ để giúp đỡ các anh em khó khăn khác”.
Bản thân Trúc Anh cũng là một “gà mới” trong nghề nên cô thường xuyên tham gia workshop giao lưu này: “Em có vào tất cả các buổi mà anh ấy tổ chức, góp sức mình vào quỹ mà anh Phan Xi Nê và anh Nguyễn Quang Dũng lập ra. Qua đợt dịch này em càng thấm thía tinh thần ‘lá lành đùm lá rách’ của người Việt Nam mình”.
MC Quyền Linh chia sẻ thêm, anh rất thích chữ “an sinh tinh thần” vì nó giúp người ta cảm thấy thoải mái. Trong đợt dịch vừa qua, các nghệ sĩ cũng mang lời ca tiếng hát tới những khu cách ly, nơi mà trước đó chẳng ai lại nghĩ đến sẽ đứng biểu diễn trong hoàn cảnh đặc biệt như thế. Khi âm nhạc được cất lên, tinh thần con người như được hồi phục, đó là cái hay của an sinh tinh thần.
Cũng như MC Quyền Linh cảm nhận, đạo diễn Phan Xi Nê mong muốn bản thân và nhiều đồng nghiệp trong nghề có thể mang đến những tác phẩm khiến khán giả có cảm giác “feel good” khi thưởng thức, thoải mái tinh thần, vui vẻ hạnh phúc sau khi xem phim. Chính vì lẽ đó mà anh cho rằng chương trình “Vì an sinh thành phố, Netflix chung tay cùng nghệ sĩ” là một hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa và có thể là tiền đề mở ra nhiều điều thú vị trong thời gian tới cho những người làm nghệ thuật.
“Netflix ngày nay là một nền tảng, platform nổi tiếng với rất nhiều bộ phim đỉnh cao, mang đến sự thư giãn cho người xem về mặt tinh thần. Việc một điều gì đó, một người nào đó trong ngành giải trí phim ảnh thể hiện sự quan tâm đến vấn đề cuộc sống của người dân, cùng thành phố an sinh sau mùa dịch là việc làm rất quan trọng. Nếu trong tương lai Netflix có thêm dự án cộng đồng phục hồi điện ảnh Việt Nam thì sẽ càng tốt hơn, giúp anh em trong nghề có thêm việc làm”.
Ngoài Quyền Linh, Trúc Anh và đạo diễn Phan Xi Nê tham gia thảo luận, chương trình còn có sự góp mặt của loạt sao Việt: Mai Phương Thúy, Liên Bỉnh Phát, Hoàng Yến Chibi, Suni Hạ Linh,....gửi lời chúc và cổ vũ tinh thần tới người dân Thành phố nói chung và kêu gọi sự đồng hành của người dân cả nước với chương trình “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” trên ứng dụng an sinh để chung tay sớm đưa Sài Gòn phục hồi trở lại.