‘Xa vắng tiếng dương cầm’ – bữa tiệc âm nhạc thăng hoa cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang
Nhiều ca sĩ như Elvis Phương, Quang Dũng, Hồ Lệ Thu… cùng góp giọng trong đêm nhạc ‘Xa vắng tiếng dương cầm’ ở nhà hát Đà Lạt Opera House để tưởng nhớ 5 năm ngày giỗ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Đêm 17-4, Đà Lạt đón những cơn mưa phùn tháng 4 và trong không gian ấm cúng của nhà hát Đà Lạt Opera House, đêm nhạc tưởng nhớ 5 năm xa cách nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã diễn ra và mang đến nhiều phần trình diễn thăng hoa.
Dưới sự dẫn dắt duyên dáng của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, hơn 20 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác đã được biểu diễn trước hơn 800 khán giả đến từ nhiều nơi trên đất nước cùng tề tựu. Trong đó, đông nhất chắc chắn vẫn là khán giả của Sài Gòn và Đà Lạt, hai thành phố quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ.
Đáp lại tình cảm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Quang là con trai của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng đồng thời là đạo diễn đêm nhạc đã ngồi đánh đàn, đệm hát cần mẫn cho tất cả ca sĩ tham gia trong suốt chương trình. Nguyễn Quang bằng tất cả tình yêu và sự tôn kính dành cho cha mình, đã mang đến một bữa tiệc âm nhạc nhiều dấu ấn. Tất cả các ca khúc đều khoác lên mình bản phối nhiều cảm xúc, do ban nhạc phòng trà Nguyễn Ánh 9, dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Nguyễn Quang. Sau khi kết thúc, đêm nhạc nhận được “cơn mưa lời khen” từ các nhạc sĩ, nhà tâm lý, các doanh nhân nổi tiếng, nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí và người hâm mộ.
Nửa đầu Xa vắng tiếng dương cầm là sự tiếp nối của thế hệ các ca sĩ trẻ đối với gia tài âm nhạc của Nguyễn Ánh 9: Trọn kiếp đơn côi (Triệu Long); Màu tím tình yêu, Bơ vơ (Ngọc Liên); Sài Gòn em và tôi, Tiếng hát lạc loài (Huy Luân); Mùa thu cánh nâu, Cô đơn (Hương Giang); Ai đưa em về (Huy Luân, Triệu Long, Tuấn Anh); Lặng lẽ tiếng dương cầm (Tuấn Anh); Mênh mông tình buồn (Ngọc Châm)… Tuy tuổi đời lẫn tuổi nghề còn trẻ, nhưng các ca sĩ trẻ này lại chứng minh được bản lĩnh sân khấu cùng kỹ năng thanh nhạc vững chắc của “dân nhà nghề”, được đào tạo qua trường lớp bài bản. Họ đều là những người có mối quan hệ thân tình với gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Trong đêm nhạc, mỗi người đem đến một câu chuyện xúc động về tình cảm giữa họ từng gắn bó với gia đình nhạc sĩ.
Ca sĩ Triệu Long mở màn sôi động, bùng cháy với ca khúc Trọn kiếp đơn côi. Ca sĩ Hương Giang trình diễn ca khúc Cô đơn, Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài. Đây là bộ 3 ca khúc liền nhau mà Nguyễn Ánh 9 viết dành cho mình trong 5 năm mới hoàn chỉnh. Ca sĩ Ngọc Châm trình diễn Mênh mông tình buồn. Ngọc Châm chính là người được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chọn và trực tiếp dạy Ngọc Châm trình diễn ca khúc này tại show diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Ngọc Liên trình diễn Màu tím tình yêu – ca khúc Nguyễn Ánh 9 viết tặng vợ là nghệ sĩ múa thiết hài Ngọc Hân Ca sĩ Huy Luân trình bày ca khúc thứ 2 Tiếng hát lạc loài. Đây là ca khúc Nguyễn Ánh 9 viết nhân dịp danh ca Khánh Ly gọi về cho ông tâm sự rằng khi ở nước ngoài, tiếng hát bà lạc loài vì không tìm được người chơi đàn ăn ý như Nguyễn Ánh 9 khi còn diễn chung với nhau ở các phòng trà.
Điểm nhấn của phần này có lẽ nằm ở sự xuất hiện của ca sĩ Hồ Lệ Thu, cô gợi cảm như một Marilyn Monroe của Việt Nam, mang đến cho khán giả những tiết mục cuốn hút khi kết hợp với tiếng vĩ cầm mê hoặc của Trương Lê Sơn, còn Nguyễn Quang thì ôm cây guitar thùng bước ra đầy lãng du.
Trong đêm nhạc, các ca sĩ đều thân thương gọi cố nhạc sĩ là "bố". Giải thích về điều này, ca sĩ Hồ Lệ Thu cho biết: “Bố 9 là một người nhạc sĩ rất gần gũi, hiền hoà nên thế hệ con cháu ca sĩ trong nghề đều thích gọi là bố. Sau này khi đi nước ngoài rồi, lâu lâu về Việt Nam tôi lại tìm đến khách Sạn Sofitel – nơi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chơi dương cầm. Lần nào gặp bố, bố cũng hỏi hôm nay Hồ Lệ Thu muốn nghe bài gì. Chỉ cần là tiếng đàn của bố, ngồi ở một góc với ly cà phê và tôi sẽ đắm chìm trong tiếng dương cầm. Khi bố đàn, bố chỉ biết tiếng đàn thôi. Mặc kệ bên ngoài trời nắng hay mưa, không quan tâm đến bất cứ điều gì”.
Nửa sau đêm nhạc là khoảng thời gian thăng hoa của 3 cái tên: Elvis Phương, Quang Dũng và nhạc sĩ Nguyễn Quang. Nếu Quang Dũng chọn hát Buồn ơi chào mi, Biệt khúc, Lối về thì Elvis Phương vẫn quyết định gắn mình với những nhạc phẩm quen thuộc là Không, Tình khúc chiều mưa, Một lời cuối cho em.
Không chỉ hát, Quang Dũng và Elvis Phương, Nguyễn Quang còn ôn lại nhiều kỷ niệm gắn bó với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Riêng danh ca Elvis Phương, ông có mặt từ rất sớm và đứng nép trong cánh gà theo dõi toàn bộ chương trình. Ông đã phải lấy khăn lau nước mắt khi nhìn thấy nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ trên màn hình led tình cảm giữa ông và Elvis Phương.
Riêng MC Kỳ Duyên, cô đã chứng minh được bản thân đã dành tâm huyết, tình yêu cho đêm nhạc nhiều như thế nào khi cất công tìm kiếm, sưu tầm để rồi gợi nhắc lại nhiều câu chuyện khác về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để khán giả Đà Lạt thêm hiểu hơn về con người cũng như âm nhạc của ông. Thân mẫu của nhạc sĩ Nguyễn Quang, nghệ sĩ thiết hài Ngọc Hân cũng có mặt trong đêm nhạc. Bà liên tục lau nước mắt khi thấy chồng mình xuất hiện cùng con trai trên sân khấu. Dù đã 5 năm kể từ ngày ông ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh của ông ngồi bên cây đàn dương cầm, say sưa với tiếng đàn vẫn còn mãi trong tim bà. Hiểu được sự xúc động mạnh mẽ của bà với tiết mục cuối cùng, doanh nhân Chu Thị Hồng Anh, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Quang luôn nắm lấy tay bà. Chị cùng đã khóc cùng với mẹ chồng của mình.
Khép lại đêm nhạc là màn song tấu piano của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang qua nhạc phẩm Tình khúc chiều mưa. Đây cũng là màn trình diễn gây nhiều xúc động khi hình ảnh cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngồi đánh đàn được tái hiện ngay trên sân khấu, đối diện là con trai Nguyễn Quang cũng đang thăng hoa trên những phím đàn. Sự chia cắt giữa âm với dương, giữa người đã mất và người còn sống dường như đã xoá nhoà vào khoảnh khắc ấy. Kết thúc tiết mục, cả khán phòng vỡ oà trong tiếng pháo tay, thậm chí những tiếng sụt sịt đã vang lên khá nhiều, tạo nên những dư âm khó phai.
“Đây có thể gọi là tiết mục công phu nhất, tốn kém nhất. Điều này không phải chơi trội mà Nguyễn Quang muốn khán giả lưu giữ lại hình ảnh Nguyễn Ánh 9 với tiếng dương cầm. Lúc còn sống, ba từng ước 2 cha con cùng song tấu piano trên cùng 1 sân khấu và Nguyễn Quang đã thoả mãn ước nguyện đó ở Mỹ. Nguyễn Quang còn nhớ sau tiết mục song tấu, khán giả trong khán phòng đều đứng lên. Những tràng pháo tay liên tiếp trong khoảng 10 phút. Hình ảnh đó còn mãi trong đầu Nguyễn Quang nên mỗi khi làm chương trình về ba bao giờ mình cũng muốn có sự xuất hiện của ba, dù cho là bằng cách nào đi nữa. Và lần này, Nguyễn Quang lại mời ba xuất hiện song tấu lần nữa, trên chính cây đàn dương cầm quen thuộc của ông và gặp gỡ khán giả Đà Lạt”, nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ.
Suốt gần 3 tiếng chương trình diễn ra, nhà hát Đà Lạt Opera House chật kín người và không ai rời chỗ ngồi cho đến phút chót. Phải dành lời khen dành cho HAHA Production vì đã sản xuất, mang đến một đêm nhạc có nhiều ý nghĩa, cảm xúc như vậy. Từ cách xây dựng kịch bản đêm nhạc cho đến mức đầu tư đúng mực dành cho âm thanh, ánh sáng… cho đến việc truyền thông cho đêm nhạc đều được thực hiện hiệu quả. Theo ghi nhận của PV, poster của đêm nhạc đã phủ khắp từ sân bay Liên Khương cho đến các địa điểm du lịch và khách sạn nổi tiếng của Đà Lạt. Sự chuẩn bị chu đáo đó đã giúp thông tin đêm nhạc Xa vắng tiếng dương cầm đến được với đông đảo người yêu nhạc Nguyễn Ánh 9. Một khán giả tên Hồng Hạnh, đến từ TPHCM chia sẻ: “Tiết mục nào cũng hoành tráng và đầy bất ngờ. Tuy nhiên, cả khán phòng lặng im khi nhìn thấy nhìn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 “hiện về” chơi đàn cùng trong con trai Nguyễn Quang trong màn song tấu piano Tình Khúc Chiều mưa. Tôi đã khóc. Và khi nhìn xung quanh, tôi thấy mọi người ai cũng rơi nước mắt”.
Photo: Nhiếp ảnh gia Lý Võ Phú Hưng