Đạo diễn Đinh Đức Liêm: Phim Việt từng tấu hài vô tội vạ
Bẵng đi vài năm tập trung công việc kinh doanh của gia đình, đạo diễn Đinh Đức Liêm trở lại với khán giả màn ảnh nhỏ. Mới đây, đạo diễn Đinh Đức Liêm đã có những chia sẻ về sự trở lại lần này.
Đâu là lý do khiến anh quyết định nhận lời làm đạo diễn bộ phim Ngày em đến?
Mấy năm trước cũng có 1 thời gian phim truyền hình có hiện tượng bị bội thực, khi có quá nhiều công ty ào vào tham gia thị trường cạnh tranh sản xuất. Kịch bản mua vội, viết vội, làm vội từ những đề cương kém chất lượng. Nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm, nhưng nhiều quan hệ lao vào nhận giá rẻ để được làm nghề…, để rồi cuối cùng đài nào, công ty nào cũng tồn đọng những phim làm ra không được phát sóng, nợ lương, lỗ… Kết quả là số lượng phim sản xuất trên thị trường bị giảm đột ngột. Tôi cũng chán nản và quyết định tạm nghỉ ngơi để quay về với dự án kinh doanh của gia đình, rồi phải theo dõi bước đầu để đi vào nề nếp, nên lúc đó không thể phân tâm để làm nghề.
Nay mọi việc đã dần ổn định, tôi giao hẳn cho bà xã quản lý và thảnh thơi trở lại làm phim. Vì đây mới thực sự là đam mê và sự nghiệp mà tôi muốn theo đuổi đến cuối cùng. Vậy thôi, chứ tôi luôn mong chờ những dự án tốt, kịch bản hay từ những công ty sản xuất, từ những đài có uy tín để mình có cơ hội phục vụ khán giả.
Tên tuổi của anh thường gắn liền với những tác phẩm đề tài xã hội đương đại, lần này là một dự án phim xưa. Anh gặp phải những thử thách nào?
Tôi luôn thích làm phim về xã hội đương đại với vô số những vấn đề gần gũi, bức xúc mà người xem quan tâm. Với 1 môi trường đang phát triển như ở Việt Nam có rất nhiều đề tài nóng bỏng, sâu sắc về mọi mặt, trong đó con người luôn là chủ thể với những tâm lý phức tạp, đa dạng, các giá trị nhân văn của cuộc sống biến đổi, tốt - xấu lẫn lộn… Nhưng thực tế, do nhiều yếu tố nên các nhà văn, biên kịch, cũng như những đạo cũng bị bó hẹp, không thể bộc lộ hết những suy nghĩ, trăn trở của mình về xã hội, con người hiện nay. Cho nên muốn mình thả lỏng, đổi khác một chút tôi phải tìm 1 không gian khác - không thuộc thời đại mình đang sống để thể hiện, vậy thôi.
Với Ngày em đến, giải quyết bài toán khó khi làm phim xưa, đồng thời để tạo nên cá tính khác biệt so với các phim cùng thể loại, anh đã làm những gì?
Thực ra Ngày em đến xuất phát từ 1 kịch bản phim ngắn cũng của biên kịch Phượng Vỹ viết về thời xưa. Nhưng cô ấy và công ty sản xuất thấy vẫn còn đất để phát triển thêm nên đã quyết định viết thành kịch bản dài tập.
Tôi được mời tham gia dự án này ngay từ khi mới được VTV3 duyệt đề cương. Thấy làm xưa quá thì không có hứng và có điều kiện bộc lộ những điều gần gũi với khán giả ngày nay, nhất là phim xưa thì dễ bị gắn với việc phải làm với tiết tấu phim chậm hơn, ngôn ngữ thoại cổ hủ hơn… Trong khi tôi luôn thích làm phim có tiết tấu nhanh, ngôn ngữ đối thoại thông minh, có vấn đề…. Nên nếu làm với nhịp phim chậm chạp cũ, lời thoại cổ hủ… thì tôi nghĩ không tạo được sự hấp dẫn.
Cuối cũng tôi bàn bạc với NSX và biên kịch quyết định cho câu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian 1966 -1974, trước giải phóng, chứ cũng không thể biến thành câu chuyện hiện đại được. Vì chất liệu trong kịch bản có nhiều hư cấu, hoang đường 1 chút, suy nghĩ, tâm lý của nhân vật chưa thể khôn ngoan, sắc sảo như hiện nay để có thể đối phó với nhau, lật chuyện 1 cách dễ dàng hơn, không để mình bị áp đặt vào những hoàn cảnh trớ trêu, khiên cưỡng như vậy…
Về thực chất, đây cũng là 1 phim về đề tài gia đình với mẹ chồng - nàng dâu, mẹ ghẻ - con chồng, anh chị em giành giật tài sản, những mưu kế thủ đoạn hại nhau để tranh quyền, đoạt lợi, không có nhiều mới mẻ so với các phim khác cùng đề tài của thời nay. Nên tôi quyết định mình sẽ làm khác ở sự thể hiện, ở cách kể chuyện, tạo cho phim màu sắc bi - hài kịch, cho Tài trở thành anh chàng giả khờ để ẩn mình lẩn tránh sự ức hiếp của mẹ ghẻ, em cùng cha…, Đến cuối cùng khi có vợ mới và cùng cô tìm lại chính con người thông minh vốn có của mình.
Anh nghĩ như thế nào về nhận định, làm phim xưa đang là trào lưu thịnh hành, đặc biệt đối với làng phim truyền hình phía Nam dù NSX nào cũng kêu trời về độ khó, tốn kém?
Như đã nói, làm phim xưa giúp tác giả lẫn khán giả có điều kiện thoát ra khỏi việc phản ánh, cảm nhận hiện thực phức tạp hiện nay, nên cũng được các Đài - nhất là ở phía Nam ưu ái sản xuất. Và quả thực phim xưa đòi hỏi bối cảnh, phục trang, đạo cụ… khác biệt, không dễ kiếm, dễ tận dụng từ đời sống hàng ngày.
Nhưng cũng chính vì không có đầu tư xứng đáng nên nó không đa dạng, không được dựng cảnh phù hợp thực sự với mỗi phim, vẫn tùy tiện sử dụng những bối cảnh có thực được thuê cho quá nhiều phim cùng thể loại, quần áo phục trang cũng không được thiết kế riêng, cho nên cũng lặp kiểu từ phim này qua phim khác, không có nhiều sáng tạo…
Nhưng do Đài duyệt sản xuất, với mức đầu tư chừng mực, gần như chẳng khác gì phim hiện đại, trừ những phim có bối cảnh, hiệu ứng đặc biệt… nên người làm như chúng tôi cũng phải liệu cơm gắp mắm để hoàn thành, dù chưa bao giờ mãn nguyện với ý đồ ban đầu của mình.
Và thực sự tôi nghĩ các Đài cũng nên tập trung sản xuất vào phim hiện đại, mở rộng đề tài vào những vùng cấm xưa nay vẫn bị hạn chế để chinh phục khán giả hơn là ẩn mình trong những vấn đề - hình thức xưa cũ để tìm khán giả cho mình 1 cách an toàn như vậy.
Từng được mệnh danh là người “mát tay” với khả năng phát hiện và nâng đỡ những gương mặt diễn viên mới. Trong Ngày em đến, việc lựa chọn các diễn viên, anh dựa trên những yếu tố nào? Bản thân anh có bị chi phối bởi NSX?
Thực ra, ngay từ khi mới bắt đầu vào nghề, tôi đã cực kỳ thích tìm ra những gương mặt mới để chứng minh khả năng của mình, không tạo cho người xem cảm giác phim đó thành công là nhờ ngôi sao này, tài năng nọ… Và khi đó, dù mình vất vả hơn trên hiện trường để xử lý, phân tích tâm lý, hướng dẫn hành động, nhưng cuối cùng làm nên được sự tươi mới, chân thực của những gương mặt mới, hóa thân vào vai diễn, chứ không diễn bằng kỹ thuật, bằng thói quen.
Từ cách làm đó, nhiều diễn viên trẻ đã bật lên thành ngôi sao hạng A ngay từ phim thứ nhất, thứ 2 sau khi làm phim của tôi. Nhưng đó là khi tôi làm phim cho TFS, ban Giám đốc Hãng, Đài gần như cho tôi toàn quyền quyết định lựa chọn diễn viên theo cảm nhận xử lý kịch bản của mình.
So với sự kỳ vọng ban đầu khi đọc kịch bản và khi phim đã lên sóng, anh hài lòng như thế nào về diễn xuất của các diễn viên trẻ trong phim?
Bạch Công Khanh đã làm với tôi phim Trả giá từ 7 năm trước. Tôi cũng rất quý mến, hài lòng, dù vai diễn ấy chưa thực sự sâu sắc như mình mong muốn lắm, vì lúc đó Khanh chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhiều. Lê Hạ Anh cũng đã từng đi casting phim tôi từ nhiều năm trước. Lúc đó tôi không hề ấn tượng, vì cô bé chưa dạn dĩ như bây giờ, khi tiếp xúc, chắc do chưa quen nên gương mặt không biểu hiện sinh động, ù lì, tẻ nhạt, nên tôi không chọn. Sau này cô bé đã đóng nhiều phim, tôi mới thấy được sự tự nhiên, biểu cảm hoạt bát, và chấp nhận đưa vào phim này.
Dũng Bino, Lê Minh Thành cũng làm tôi hài lòng với sự thể hiện vai diễn của mình, dù các bạn nhận vai ác, bị khán giả ghét cay ghét đắng, chửi bới ầm ĩ trong các comment về phim trên mạng xã hội. Nhưng với vai trò là diễn viên đóng nhân vật phản diện, các bạn đã góp phần tạo nên màu sắc đối chọi, làm nhân vật chính diện của Tài - Trà được yêu thương hơn. Đóng vai ác mà bị chửi là thành công rồi.
Lại nói đến thế mạnh hay cái duyên với những phim về thân phận người phụ nữ, với Ngày em đến khía cạnh này được anh khai thác như thế nào để làm bật lên chủ đề tư tưởng của bộ phim?
Thực ra với các nhân vật nam, tôi nghĩ mình cũng tạo dựng được nhiều vai diễn ấn tượng đấy chứ. Nhưng chẳng hiểu sao mọi người cứ nhắc lại thế mạnh của tôi với thân phận người phụ nữ?
Có điều tôi luôn thích đề cao nữ quyền, sự bình đẳng, khả năng mạnh mẽ vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của người phụ nữ, không chấp nhận sự hiền lành, an phận, nhu nhược, thụ động của họ trước hoàn cảnh. Phim Ngày em đến cũng vậy.
Con người không ai tốt toàn diện, phụ nữ không cần hiền ngu suốt đời. Đó mới là thực tế không 1 chiều mà chúng ta phải chấp nhận và thể hiện cho sinh động và sâu sắc trong tác phẩm của mình. Đã qua cái thời nghệ thuật tô hồng hoặc bôi đen 1 chiều, đã tốt thì lúc nào cũng phải tốt, đã xấu thì không thể hoàn lương… Nhân vật càng có tâm lý đa chiều, phức tạp, biến đổi trong từng hoàn cảnh mới thực sự chứng tỏ vốn sống phong phú và khả năng sáng tạo của nghệ sỹ.
Ngày em đến là cuộc đấu đá khốc liệt trong một gia đình giàu có nhưng vẫn có không ít tình huống hài hước. Yếu tố bi – hài vốn được anh phát huy tốt trong nhiều dự án trước đây được anh cân đối như thế nào nhằm lôi cuốn khán giả?
Tôi không thích phong cách làm phim chính kịch, thuần bi kịch hay hài kịch. Bởi vì cuộc sống luôn đa dạng màu sắc. Trong khi người này gặp phải bi kịch thì người khác nhìn vào thấy hả hê cho sự hơn người, thành công của mình. Trong khi người khác vui vẻ thì người kia lại ghen ghét, đố kỵ, đau khổ vì sự thất bại, thua kém của mình… Cho nên tôi rất thích phim mình làm kiểu trong cái hài có cái bi, trong cái bi có cài hài
Khán giả xem vậy cũng nhẹ nhõm, đỡ nặng đầu, thấy hấp dẫn hơn. Thật ra ở Việt Nam vừa qua làm hài kịch, tấu hài vô tội vạ, làm hài lố, hài dơ nên khán giả và giới chuyên môn bị ấn tượng không tốt với hài kịch chân chính, hài tình huống, hài tính cách, hài hiện thực phê phán… Chứ làm được hài sâu lắng, hài hiện thực đòi hỏi sự thông minh, tinh tế của người sáng tác, sự duyên dáng thật sự của diễn viên. Diễn viên không giỏi, không có duyên vẫn có thể diễn chính kịch, bi kịch. Nhưng diễn viên không thông minh, không có duyên trời sinh không thể đóng hài 1 cách nhẹ nhàng, không cường điệu được.