Xôn xao du học sinh Mỹ 'bóc phốt' gửi về 40 triệu/năm vẫn bị mẹ mắng vô ơn, chưa rõ thực hư nhưng dân mạng nổ ra tranh cãi
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này. Dẫu vậy, những tình tiết có liên quan vẫn đủ gây ra nhiều luồng tranh cãi.
Những gì liên quan đến tiền bạc luôn là chủ đề nhạy cảm gây ra tranh cãi. Đó có thể là vấn đề lương lậu khi đi làm là chuyện vay nợ tiền của bạn bè, là câu hỏi về tình phí khi hẹn hò... Thậm chí mới đây, cư dân mạng còn xôn xao trước bài viết có liên quan đến chuyện một du học sinh "bóc phốt" chính bố mẹ vì... đòi mình gửi tiền về nhà, không sẽ bị mắng. Chưa rõ thực hư câu chuyện thế nào nhưng dân mạng đã chia làm rất nhiều luồng tranh cãi.
Cụ thể, nữ sinh tên P. này đã đăng đàn trong một group hỏi: "Các du học sinh ở Mỹ thường gửi tiền về cho bố mẹ mỗi năm khoảng bao nhiêu tiền?". Riêng với trường hợp của bản thân, cô gái này cho biết mình năm nay 24 tuổi, đang học sau đại học. Trung bình một năm, cô nàng gửi về cho bố mẹ gần 40 triệu nhưng vẫn bị mẹ chửi là gửi ít và "vô ơn".
Nữ du học sinh cũng chia sẻ thêm rằng cô sang Mỹ học bằng học bổng 100%. Trong quá trình học tập tại nước ngoài, bố mẹ cô chưa từng phải chi trả bất kì đồng nào. Còn trước đó, khi nữ sinh vẫn ở Việt Nam, bố mẹ cô cho cô tiền học thêm, nhưng là "cho vay" chứ không phải "cho không". Và tổng cộng, cô đã gửi trả nợ bố mẹ gần 80 triệu tiền học thêm trước khi sang Mỹ.
Ảnh chụp màn hình được P. đính kèm bài bóc phốt (Ảnh: Facebook)
Đính kèm bài viết là một tấm ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại được cho là của mẹ cô gái cùng chị gái cô. Mẹ nữ sinh đã liệt kê cụ thể những gì cô từng tặng bố mẹ cho cả nhà cùng biết. Khi người chị gái khen như vậy là nhiều rồi, mẹ cô đáp lại: "Nếu không hiểu tiếng Việt thì vào mạng mà search cái từ VÔ ƠN ấy nhé".
Khó hiểu với trường hợp phụ huynh đòi tiền con như... đòi nợ
Sau khi được đăng tải, bài viết của nữ sinh tên P. này ngay lập tức nhận được nhiều sự chú ý. Vấn đề lớn nhất cư dân mạng chú ý đến ở đây chính là con số trong câu hỏi nữ sinh đặt ra ở đầu bài. Bên cạnh đó, ai đúng ai sai cũng được mang ra bàn luận.
Phần đông các ý kiến nhận xét P. tự kiếm được học bổng 100%, không cần người nhà chu cấp bất kì khoản gì và còn gửi được tiền về nhà mỗi năm đã là rất giỏi. 40 triệu có thể không phải con số lớn nhưng cũng là không nhỏ với một người vẫn còn đi học, nhất là tại một đất nước đắt đỏ như Mỹ.
Về phần bố mẹ P, mọi người cho rằng việc đòi con gái gửi tiền về không sai nhưng đòi hỏi nhiều, thậm chí còn mắng con mình vô ơn thì là quá tính toán. Số ít gay gắt còn khuyên P. nên... cắt đứt liên lạc với gia đình nếu cô đã đủ khả năng tự lập tài chính.
Nhiều người cảm thấy chạnh lòng thay nữ du học sinh (Ảnh minh họa)
Ngoài ra thì cũng có những bình luận cho rằng chuyện bố mẹ ghi sổ nợ những khoản tiền từng cho con cái không phải hiếm, đây là một cách khiến con cái có áp lực để biết cố gắng hơn. Hơn nữa, chỉ qua lời kể của P. thì không thể xác định được bố mẹ cô đang trêu hay thực sự đòi tiền.
- Trường hợp này khó hiểu quá!
- Có gửi về là may rồi. Bạn chị đứa nào một tháng mẹ cũng chuyển qua ít nhất là 1000 đô.
- Nếu làm một cái phép tính đơn giản cũng có thể thấy là gửi được tiền về trong giai đoạn khó khăn này đã là kì tích rồi.
- Đọc xong cảm thấy may mắn thật. Bố mẹ mình chỉ mong mình tự lo cho bản thân và đừng gọi về xin tiền nữa là mừng lắm rồi.
- Giỏi vậy mà bố mẹ còn mong mỏi gì nữa không biết? Sao nghe mẹ bạn dùng từ cay nghiệt vậy. Mình chỉ mong được bằng 1 nửa của bạn thôi chứ bố mẹ mình chưa bao giờ yêu cầu mình phải gửi tiền về.
- Nhà mình bố mẹ cũng ghi lại tất tần tật các khoản gửi mình mỗi tháng, bảo cho mình nợ, bao giờ lấy chồng thì trả. Nhưng mình biết bố mẹ thống kê để đó thôi, chứ thương con còn không hết, sau này lấy chồng có khi còn cho nhiều hơn.
"Bóc phốt" chính gia đình lên MXH có nên hay không?
Từ bài đăng của nữ du học sinh, cư dân mạng còn nổ ra cuộc tranh cãi về chuyện liệu có nên lôi hết chuyện riêng tư gia đình lên mạng cho mọi người bàn tán, phán xử như P hay không. Trong một gia đình, sẽ có những lúc mâu thuẫn xuất hiện, tuy nhiên cách giải quyết đúng đắn nhất là tất cả thành viên cùng ngồi lại để nói chuyện chứ không phải "bô bô" lên cho thiên hạ cùng biết. Rất nhiều người tỏ ra không đồng tình với cách P. nói xấu bố mẹ trên Facebook dẫu có thể việc bố mẹ P. làm là không đúng.
Nhiều người phản đối việc "bóc phốt" gia đình trên MXH (Ảnh minh họa)
Mọi người khuyên nữ du học sinh nên dành thời gian phân tích cho bố mẹ hiểu cuộc sống của mình bên nước ngoài có những khó khăn gì, vì sao cô không thể gửi nhiều tiền hơn. Một cách giải quyết khác chính là thử không liên lạc với bố mẹ 1 tháng, sau đó lập bảng chi tiêu cụ thể của mình và gửi cho bố mẹ cùng xem.
- Mình bằng tuổi bạn, nhà không phải có điều kiện. Hiện tại mình cũng không có để gửi cho bố mẹ gì nhiều, bố mẹ mình thì nói cũng không cần. Nhưng quan điểm của mình thế này, dù sao đây là người trong gia đình mình, là bố mẹ mình mà, những việc như thế này bạn có thể tâm sự với anh chị em trong nhà hoặc gọi điện tâm sự với mẹ xem sao, có khi mẹ chỉ nói vui vậy thôi. Nói chung không nên đưa lên group chung như này, quá gay gắt rồi!
- Em nghĩ chị nên nói chuyện với bố mẹ một lần, mặc kệ bố mẹ mắng hay nói gì cứ nói 1 lần hết ra rồi cúp máy. Còn không thì chị cứ nhắn tin rồi gửi bố mẹ đọc.
- Giờ cái gì cũng lôi tuốt tuồn tuột lên MXH như thế này à? Những gì có thể giải quyết ngoài đời được thì đem hết lên mạng cho người ngoài soi làm gì vậy? Đó là gia đình của bạn mà.
- Đành rằng bố mẹ bạn nói bạn vô ơn là hơi quá đáng nhưng mình nói thật, một năm gửi 40 triệu là quá ít. Bạn nói bố mẹ bạn tính toán nhưng thực ra bạn cũng tính toán kém gì đâu.
- Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, mình không dám nhận xét gì, chỉ là như cá nhân mình thấy việc trả ơn bố mẹ là điều nên làm. Mình luôn cố gắng báo đáp bố mẹ nhiều nhất có thể, dù mình biết nếu bảo để trả thì cả đời này mình cũng không thể trả hết được. Công sinh dưỡng nó nặng lắm bạn, nên mình bạn có thể xem lại là bố mẹ bạn trêu hay là nói thật.
Ngoài những ý kiến kể trên, một số người cũng nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này. Mọi người cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò bịa chuyện, tạo fake news để câu like đến từ vị trí của chủ post. Còn thực hư thế nào có lẽ vẫn cần theo dõi thêm để biết rõ ràng.