Thực tại tăm tối phía sau ngành du lịch thiên nhiên hoang dã: Những nỗi đau không cất nên lời
Động vật khác con người, chúng không thể bộc lộ rõ những gì bản thân đang cảm nhận. Nhưng chúng biết đau, biết buồn, biết khổ sở, giống như những gì các loài vật trong ngành du lịch hoang dã phải trải qua.
*Lược dịch từ bài phóng sự của Natasha Daly, đăng tải trên National Geographic
Trời nhá nhem tối, tôi ngồi trong chiếc xe ì ạch chạy xuống con đường nhiều bùn đất dưới cơn mưa. Xe chạy ngang qua một đàn voi bị cùm chân, những chiếc vòi của chúng đung đưa qua lại.
Tôi đã ở đây khoảng 5h trước, khi Mặt trời còn đỏ lửa và các du khách vẫn còn ngồi trên lưng chúng. Còn giờ tôi quay lại, là để đi thăm "em bé" của mình.
Tôi xuống xe đi bộ. Con đường tối mờ mịt, gần như chỉ nhìn được một chút bằng ánh sáng flash phát ra từ điện thoại. Khi chạm phải hàng rào gỗ, tôi hướng đèn xuống đất, lần theo dòng nước mưa để tới một mặt sàn bằng bê tông, nơi "em bé" của tôi - Meena đang đợi sẵn.
Meena là một cô voi cái mới được hơn 4 tuổi, vẫn còn là "trẻ con" của giống loài này. Chỉ 3 chân cô nhóc được tự do, chiếc chân thứ 4 bị buộc bằng một sợi xích ngắn có vòng gai nhọn, giữ trong trạng thái lơ lửng. Nếu bỏ chân xuống, những chiếc gai sẽ xuyên sâu vào mắt cá, gây đau đớn cực kỳ.
Khammon Kongkhaw - mahout, hay người quản tượng tại đây cho biết Meena buộc phải đeo vòng gai, bởi cô nhóc có xu hướng đá bậy. Tại khu bảo tồn voi Maetaman Elephant Adventure (Chiang Mai, Thái Lan), Kongkhaw chịu trách nhiệm quản lý Meena từ khi mới 11 tháng tuổi. Ông bảo rằng Meena buộc phải đeo vòng vào ban ngày để bảo đảm an toàn, và sẽ được cởi ra lúc tối trời. Có điều giờ thì đêm rồi, vẫn đeo.
Khi hỏi Jin Laoshen - nhân viên của Maetaman đi cùng tôi về việc tại sao Meena vẫn phải đeo vòng, anh ta cũng không có câu trả lời.
Du khách chụp ảnh cưỡi voi và up lên các trang mạng xã hội
Maetaman là một trong số rất nhiều khu du lịch sử dụng động vật tại Chiang Mai. Mùa cao điểm, du khách ùa ra từ xe bus, trèo lên bám vào vòi voi để chụp ảnh - dĩ nhiên là cần kèm theo sự đe dọa của quản tượng tay lăm lăm bullhook (dụng cụ của quản tượng, thanh kim loại có 2 ngạnh sắc nhọn ở đầu giống như sừng bò). Họ ném chuối cho voi ăn, đứng xem quản tượng bắt lũ voi ném phi tiêu, hoặc đá bóng theo điệu nhạc.
Cuộc đời của Meena cũng vậy, được sắp đặt để theo chân khoảng 3800 con voi đang nuôi nhốt tại Thái Lan, cùng hàng ngàn cá thể khác tại Đông Nam Á. Cô nhóc sẽ phải diễn trò cho tới năm 10 tuổi, rồi trở thành voi cưỡi. Du khách sẽ ngồi trên lưng Meena, mỗi ngày vài chuyến như vậy. Đến khi quá già yếu - có lẽ là khoảng 55 hoặc 75 tuổi, Meena sẽ chết. Nếu may mắn, cô nhóc sẽ được một vài năm nghỉ ngơi vào cuối đời, dù đó là một cuộc đời sống trong xiềng xích mà thôi.
Đây là Gluay Hom - con voi 4 tuổi đang được huấn luyện để diễn trò cho du khách. Nó bị xích tại một sở thú gần Bangkok (Thái Lan), người chằng chịt vết thương rớm máu
Những khu du lịch hoang dã như Maetaman thu hút du khách trên toàn thế giới bằng các loài động vật, và họ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. So với 15 năm trước, các tour du lịch như vậy đã tăng gấp đôi, chủ yếu nhờ lượng du khách từ Trung Quốc với sự chịu chi cho các chuyến du lịch nước ngoài.
Trên thực tế, du lịch hoang dã không phải điều gì mới mẻ, nhưng sự xuất hiện của mạng xã hội đã khiến ngành này phát triển mạnh mẽ hơn, với những tấm hình selfie bên các loài vật quý hiếm và đặc biệt - như cưỡi voi, bơi cùng cá heo, cho hổ ăn... Tất cả đều đạt được độ lan tỏa cao, khiến những tour du lịch như vậy trở nên thực sự hấp dẫn.
Nhưng những tấm ảnh hào nhoáng ấy không tiết lộ điều gì thực sự xảy ra phía sau ống kính. Chúng ta - khách du lịch chỉ cảm thấy vui thích khi được tiếp xúc với những loài vật to lớn của tự nhiên, mà không hay biết rằng chúng phải sống cuộc đời khổ cực giống như Meena, hay thậm chí còn kinh khủng hơn.
Đằng sau vẻ hào nhoáng
Sau khi rời Maetaman, chúng tôi lên xe hướng đến một ngọn đồi, tới một cơ sở mang tên "Elephant EcoValley" (tạm dịch: Thung lũng Sinh thái Voi) với slogan: "nơi những con voi được đối xử tốt".
Tại đây chẳng có con voi nào bị cưỡi cả, cũng không có show trình diễn nào hết. Du khách tới đây để tham quan bảo tàng, tìm hiểu thêm về linh vật quốc gia của Thái Lan. Họ cũng được học cách bào chế thuốc để chữa cho voi, hoặc làm giấy từ phân voi. Những con voi ở đây được tự do, thong thả bước trên cánh đồng cạnh khu rừng rậm rạp.
Sách lưu bút tại EcoValley tràn ngập lời khen, bởi du khách thường cảm thấy không thoải mái sau khi chứng kiến những gì xảy ra ở Maetaman. Tại EcoValley, họ thấy những con voi được tự do, không xiềng xích, cho cảm giác thư thái hơn.
Chỉ có điều, EcoValley và Maetaman thực chất là chung một doanh nghiệp. Những con voi của EcoValley được mang tới từ chính Maetaman, và được trao trả trong ngày.
Có ai biết, 2 khung cảnh này thực chất là do cùng một doanh nghiệp cung cấp?
Cảnh tượng tại Maetaman. Những con voi non trẻ tại đây được huấn luyện để diễn trò, còn voi già thì để cưỡi. Và để an toàn, tinh thần của lũ voi đều đã bị bẻ gãy bằng đòn roi
Meena của tôi từng được đưa tới đây, nhưng cô nhóc hoảng sợ và tìm cách chạy vào rừng. Mei - một cô voi non trẻ khác cũng tới đây vài lần, nhưng hôm nay thì phải ở lại Maetaman, chơi kèn harmonica trong một show trình diễn. Và khi không phải diễn hoặc không ở EcoValley, cô sẽ bị xích trong chuồng, gần với vị trí của Meena.
Meena Kalamapijit là chủ sở hữu của Maetaman và EcoValley - vốn được mở ra từ tháng 11/2017, chỉ để thu hút du khách phương Tây. Kalamapijit cho biết 56 con voi tại đây được chăm sóc tốt, và việc để du khách cưỡi hay diễn trò là cách để chúng... tập thể dục. Cũng theo cô, hành vi của Meena đã khá hơn rất nhiều kể từ khi quản tượng bắt nó đeo xích gai.
Kalamapijit kể lại, có lần cô đã cắt bỏ một show trình diễn để du khách phương Tây được xem cảnh voi tắm trên sông. "Họ rất thích cảnh tượng này, trông rất bình an và thư thái. Nhưng công ty du lịch tại Trung Quốc gọi tới và hỏi tại sao lại cắt show, vì khách của họ không thích thú gì chuyện xem voi tắm," - cô cho biết. Bởi vậy, việc mở ra EcoValley là giải pháp hoàn hảo.
Từng đi nhiều nơi trên thế giới, tôi chứng kiến các tour du lịch liên quan đến động vật. Ở Thái Lan, tôi từng thấy một anh người Mỹ ôm chầm lấy con hổ tại Chiang Mai, từng thấy một cô dâu người Trung Quốc chụp ảnh cưới trên lưng voi tại Phuket. Tôi cũng thấy những con gấu trắng phải nhảy múa ở Nga, hay cảnh các cậu nhóc tuổi teen chụp selfie cùng những con lười tại sông Amazon.
Tất cả dĩ nhiên là những trải nghiệm thú vị. Nhưng ít ai biết rằng, những con hổ buộc phải bị tháo móng, hoặc bị đánh thuốc mê, hoặc cả hai. Hay để luôn có thú con cho du khách ôm, những con cái bị buộc phải trở thành những cái máy đẻ, trong khi con non bị tách khỏi mẹ chỉ vài ngày sau khi ra đời. Với voi, để diễn trò được hoặc chấp nhận cho du khách cưỡi lên, chúng đã bị "tẩy não" ngay từ khi còn bé, được dạy phải biết sợ bullhook. Và những con lười tại Amazon thực chất là bị săn bắt trái phép, thường sẽ chết chỉ sau vài tuần nuôi nhốt mà thôi.
Để chụp được tấm hình nhìn an yên như vậy, những con hổ hoặc bị đánh thuốc, hoặc phải tháo móng, hoặc cả hai
Khi đi hỏi các cơ sở nuôi thú về cách các loài vật được đối xử, câu trả lời thường chẳng đồng nhất. Dẫu vậy, các thông tin nhỏ lẻ được chắt lọc cũng đủ để vẽ ra một bức tranh toàn cảnh và nhuốm màu đau thương.
Ngành du lịch hoang dã sinh ra để phục vụ những người yêu động vật, nhưng thường nhắm đến việc tối đa hóa lợi nhuận bằng cách bóc lột chúng đến chết. Xương sống kinh tế của ngành này phụ thuộc vào việc du khách tin rằng những loài vật họ trả tiền để xem cũng đang cảm thấy vui vẻ, dù thực chất là không.
Ngọn lửa bùng cháy từ mạng xã hội
Olga Barantseva là một tài khoản khá nổi tiếng trên Instagram. Cô là một nhiếp ảnh gia người Nga, chuyên nhận thực hiện các bộ ảnh chụp người với động vật hoang dã ở Moscow.
Barantseva đã thực hiện công việc này trong hơn nửa thập kỷ. "Giống như một giấc mơ vậy," - Barantsevacho biết, khi vào năm 2015 cô đột nhiên trở nên nổi tiếng nhờ một số hãng truyền thông quốc tế biết tới. "Tôi chỉ muốn cho thấy sự đồng điệu giữa con người và động vật," - cô chia sẻ.
Một ngày mùa thu đẹp trời, dưới tán cây bạch dương vàng nhìn ra mặt hồ lạnh giá, cậu bé 2 tuổi rưỡi Alexander Levin trong chiếc áo len trùm đầu bẽn lẽn nắm lấy tay Stepan - chú gấu nâu đã 27 tuổi. Đây là buổi chụp hình của nhà Kravtsov, đã thuê Barantseva để thực hiện một bộ ảnh gia đình bên chú gấu "ngôi sao" của mạng xã hội.
Chú gấu Stepan - ngôi sao của mạng xã hội, chuyên chụp hình cùng con người
Chủ của Stepan - Yury và Svetlana Panteleenko - ném cho chú một miếng cá ngừ trộn yến mạch, để chú tiến lại gần cậu bé. Tách: chú bé Levin đã có một người bạn khổng lồ. Sau đó, họ ném vài quả nho để Stepan mở miệng ra hứng. Tách: chú gấu trông như thế đang cười vậy.
Ở độ tuổi 27, chú gấu nâu Stepan đã già, đi lại cũng không vững. Nhà Panteleenko cho biết họ mang chú về từ một sở thú nhỏ, khi mới chỉ 3 tháng tuổi. Họ nói chú phải làm việc - thường là chụp ảnh hoặc đóng phim, để kiếm tiền mua đồ ăn cho chính mình.
Toàn bộ các video và ảnh chụp về Stepan được chia sẻ lên Instagram của Panteleenko, rồi Barantseva và các khách hàng của cô. Cứ như vậy, ngọn lửa du lịch hoang dã được thổi bùng lên, rồi hình ảnh được quảng bá đi khắp thế giới.
Sự tự do bị giam cầm
Khi phim tài liệu Blackfish ra mắt vào năm 2013, nó nhanh chóng tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội tại Mỹ. Nội dung phim nói về Tilikum, một con cá voi sát thủ được nuôi tại Công viên Hải dương SeaWorld (Orlando, Florida), và cuộc đời khốn khổ của nó trong cảnh bị giam cầm.
Hàng trăm ngàn khán giả giận dữ cùng nhau ký vào bản kiến nghị phản đối SeaWorld. Các đối tác cùng công viên này cũng nhanh chóng hủy bỏ hợp đồng. Lượng du khách đến đây trượt dài, còn giá cổ phiếu lao dốc chưa từng có.
James Regan - một khán giả từ Anh cho biết bộ phim ấy khiến anh cảm thấy đau lòng. Tôi gặp Regan tại đảo Hawaii, khi anh đang cùng vợ - Katie - hưởng tuần trăng mật. Họ tới Dolphin Quest - cơ sở kinh doanh dịch vụ "bơi cùng cá heo" trên đảo Oahu (Hawaii), chấp nhận trả 225 đô mỗi người để được trải nghiệm cảm giác bơi cùng một con cá heo trong vòng 30 phút. Và ở đây có 6 con cá như thế.
Cá voi beluga diễn trò tại Saratov (Nga). Chúng được đưa đi lưu diễn khắp nơi, đến cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, và thường không sống thọ
Cá heo mũi chai có thể xem là "xương sống" của ngành dịch vụ nổi tiếng khắp thế giới. Đó là những con cá hoặc được con người nhân giống, hoặc được đánh bắt trong tự nhiên rồi huấn luyện. Bản thân ngành dịch vụ này phản ánh sự mâu thuẫn trong quan điểm của nhiều người: quay lưng với các màn xiếc thú tàn nhẫn, nhưng chỉ coi việc bơi cùng cá heo nuôi nhốt như một kỳ nghỉ mà thôi.
Rae Stone, chủ tịch Dolphin Quest cho biết công ty đã quyên khá nhiều tiền cho các dự án bảo tồn, và để nâng cao nhận thức của du khách về các vấn đề sinh vật biển phải đối mặt trong tự nhiên. Stone cho biết, bằng việc trả tiền sử dụng dịch vụ, bản thân du khách đang góp phần giúp đỡ những con cá heo hoang dã khác ngoài kia.
Stones cũng đề cập rằng Dolphin Quest nhận được chứng nhận "nhân văn" của tổ chức vì quyền lợi động vật American Humane. Nhưng tranh cãi vẫn nổ ra. Kể cả với một nơi có tiêu chuẩn cao, nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng, môi trường sống mô phỏng như đại dương, thì việc nuôi nhốt cá heo và các loài thú biển nói chung có thật sự là nhân văn?
Dolphin Quest bảo là có, nhưng các nhà hoạt động khác nói không. Họ biện luận rằng cá heo vốn tiến hóa để có thể bơi đi xa và sống trong một xã hội phức tạp - đây là điều kiện không thể đáp ứng trong môi trường nuôi nhốt. Chính quan điểm này đã dẫn đến chuyện năm 2016, Thủy cung Quốc gia của Baltimore thông báo sẽ chấm dứt các dịch vụ như vậy vào năm 2020.
Trải nghiệm bơi cùng cá heo tại Brazil
Một số công viên hải dương tại Mỹ buộc phải nhân giống cá heo, bởi Mỹ có quy định cấm đánh bắt loài vật này kể từ năm 1972. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, cá heo vẫn bị săn bắt ngoài tự nhiên, đưa về huấn luyện để diễn trò. Như tại Trung Quốc, nơi chưa có quy định về nuôi nhốt động vật, các ngành dịch vụ liên quan đến cá heo thực sự bùng nổ. Hiện tại có khoảng 78 công viên hải dương, cùng 26 cơ sở nữa đang được xây dựng.
Tương tự là Nga - một trong số ít quốc gia (bên cạnh Indonesia) cho phép việc vận chuyển thú biển đi lưu diễn được tồn tại. Những con cá heo và cá voi beluga được đặt trong các bể nước lớn, chuyển đi rất nhiều thành phố để phục vụ con người. Cuộc đời chúng trở thành một vòng luẩn quẩn: diễn, di chuyển, rồi lại diễn... cho đến lúc chết.
Người vận hành các tour du lịch hoang dã - từ những cơ sở hiện đại như Dolphin Quest ở Hawaii cho đến các show xiếc khỉ rẻ tiền ở Thái Lan, tất cả biện hộ rằng những con thú của họ sống lâu hơn khi được nuôi nhốt, bởi chúng tránh được kẻ thù ngoài tự nhiên và các biến cố môi trường. Nhiều người nhấn mạnh rằng các loài thú ở đó được chăm sóc rất tốt, như thể người thân trong gia đình.
Alla Azovtseva - nhà huấn luyện cá heo lâu năm ở Nga lại chẳng nghĩ vậy. "Tôi chẳng thấy ý nghĩa gì từ công việc này. Lương tâm tôi đã luôn cắn rứt. Mỗi khi nhìn thấy con vật mình huấn luyện, tôi đều muốn khóc," - cô chia sẻ. Azovtseva đang nhận huấn luyện những con cá voi hoa tiêu tại Moskvarium - một trong những thủy cung lớn nhất tại châu Âu. Cô đã làm công việc này suốt 30 năm, và càng ngày càng nhận ra những sự thật không hay về nó.
"Có thể so sánh những con cá heo trong thủy cung giống như việc bắt các nhà học giả đi quét đường vậy. Khi không diễn trò hoặc tập luyện, chúng chỉ nổi lơ lửng, úp xuống nước. Đó là trạng thái cực kỳ tuyệt vọng."
Theo Azovtseva, khán giả không biết rằng những con vật dùng trong trình diễn sẽ không sống thọ, đặc biệt là khi phải đi lưu diễn quá nhiều. Cô nêu rõ rằng mình không ám chỉ Moskvarium, nhưng cho biết có nhiều thủy cung âm thầm thay thế cá heo khi chúng "quá hạn" sử dụng, và dĩ nhiên là một cách bất hợp pháp.
"Con người là vậy. Khi thấy có cơ hội, họ sẽ tận dụng nó triệt để," - Azovtseva nhận định. Cô cho biết mình không thể tiếp tục làm việc trong ngành này nữa, và biết rằng đã đến lúc phải lên tiếng để mọi người hiểu được sự thật đằng sau những tiết mục thú vị mà họ đang trả tiền để xem. "Tôi không quan tâm nếu mình có bị sa thải. Khi chẳng còn gì để mất, con người ta sẽ có gan để làm điều đó."
Ngôi làng tuyệt vọng
Tôi tới một thị trấn nhỏ phía Đông của Thái Lan, nơi có những ngôi nhà tiêu điều nằm rải rác trên nền đất đỏ thẫm. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất lại là lũ voi, gần như nhà nào cũng có. Một số chỉ 1 con, số khác nhiều hơn, thậm chí lên tới 5 con. Chúng đứng dưới những tấm bạt hoặc trong chuồng có mái kim loại. Hầu hết là đứng một mình, và gần như tất cả đều đeo xích hoặc cùm chân.
Đó là Ban Ta Klang - còn được biết đến với cái tên "Làng Voi", được xem là nơi xuất phát điểm của việc huấn luyện và buôn bán voi nuôi nhốt tại Thái Lan.
Tại Ban Ta Klang, huấn luyện voi là một ngành công nghiệp thực sự. Những con voi bị bắt hoặc nhân giống tại đây sẽ được huấn luyện, sau đó bán cho các cơ sở du lịch trên cả nước để trình diễn và làm việc cả đời
"Mấy con voi nhà đấy," - Sri Somboon, một người huấn luyện cho biết. Cạnh nhà anh, một chú voi con 2 tháng tuổi đang chạy lòng vòng quanh mẹ nó. Anh chỉ tay sang bên đường, nơi con voi thứ 3 đang đứng. Đó là một con voi đực 3 tháng tuổi, trông có vẻ khá bối rối. Somboon cho biết, chú voi đang trong quá trình huấn luyện và bắt đầu vẽ vời khá ổn. Chú voi này cũng đã bị bán rồi, và sau khi việc huấn luyện hoàn tất, nó sẽ bắt đầu phục vụ các tour du lịch phía Nam.
Ban Ta Klang và khu vực xung quanh làng (thuộc tỉnh Surin) được cho là nguồn gốc của phân nửa trong số 3.800 con voi được nuôi nhốt tại Thái Lan. Trước khi ngành du lịch bùng nổ, nơi đây từng là trung tâm buôn voi của đất nước, khi những con voi bị bắt và huấn luyện để lên rừng kéo gỗ. Còn giờ thì mỗi khi đến tháng 11, hàng trăm con voi sẽ được bày bán công khai, chờ người mua tới rước.
Siriyupha Chalermlam (16 tuổi) nằm ngủ kế bên con gái. Gia đình họ làm nghề nuôi voi, để bán hoặc cho thuê khi có sự kiện
Một tối nọ, tôi ngồi trò chuyện cùng Jakkrawan Homhual và Wanchai Sala-ngam. Cả hai 33 tuổi, là bạn thân từ thuở nhỏ, và đều làm nghề huấn luyện voi. Thực ra phân nửa người dân tại Ban Ta Klang không sở hữu voi được. Họ được trả một số tiền khá khiêm tốn để phụ trách nuôi dưỡng, huấn luyện voi con cho các show trình diễn.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh quá trình huấn luyện voi, trong đó có "phajaan". Đây là thuật ngữ chỉ quá trình kéo dài hàng tuần để bẻ gãy tinh thần của những con voi hoang dã - hình thức huấn luyện voi truyền thống tại Thái Lan và nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á. Với phajaan, voi sẽ bị trói bằng dây thừng, nhốt trong chuồng gỗ chật hẹp, bị bỏ đói, liên tục bị đánh đập bằng đủ thứ vũ khí - từ gậy bullhook, kìm sắt cho đến búa... Cứ như vậy cho đến khi tinh thần bị đập nát hoàn toàn.
Với những con voi mới sinh, quy trình sẽ hơi khác một chút. Khi voi con được 2 tuổi, quản tượng sẽ trói voi mẹ vào một cái cây, chậm rãi kéo dần voi con ra xa. Khi đã tách được khỏi mẹ, voi con sẽ bị nhốt. Bằng những đòn roi với bullhook, họ sẽ dạy voi con biết di chuyển theo hiệu lệnh. Còn khi muốn dạy voi ngồi, Sala-ngam cho biết sẽ cần đến 2 quản tượng. Đầu tiên là trói 2 chân trước của voi lại, sau đó một người dùng gậy tấn công phía sau, người còn lại kéo dây phía trước.
"Để dạy voi, bạn cần phải dùng bullhook để chúng dễ nhận ra sau này."
Con người có một lợi điểm so với động vật, đó là chúng ta thể hiện được sự đau đớn ra ngoài bằng nước mắt và giọng nói. Động vật không có điều đó, đa số chẳng có tuyến lệ. Vậy nên, để nhận ra một sinh vật không phải con người đang đau khổ là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.
Nhưng tôi biết, động vật có cảm thấy cơn đau. Tất cả các loài thú đều có cơ chế thần kinh gần giống nhau. Chim chóc, bò sát và lưỡng cư cũng có thụ thể cảm nhận cơn đau. Đến các loài cá cũng vậy - khoa học đã chứng minh rồi. Chỉ là một đứa trẻ 4 tuổi bị gai đâm thì biết khóc, còn một con voi 4 tuổi chân bị xích bằng vòng gai, nó buộc phải giữ chân lơ lửng mà thôi giống như bé Meena của tôi vậy.