Người phụ nữ nuôi chó mèo bị bại liệt suốt 6 năm, bỏ cả công việc để chăm sóc 'đàn con' của mình
6 năm cưu mang những chú chó, mèo liệt bị bỏ rơi, đã có lúc chị Ngọc muốn buông bỏ tất cả để lo cho hạnh phúc của chính mình. Nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy một chú chó, mèo tàn tật bị bỏ rơi, chị lại không cầm lòng được, lại hối hả đem về chăm sóc, thương yêu.
Chị là Nguyễn Thị Ngọc (46 tuổi) hiện là người "mẹ" của hàng chục chú chó, mèo tàn tật. Căn nhà được dựng bằng tường gạch, che tôn đơn sơ nằm giữa cánh đồng trên kênh T2 thuộc ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM là nơi chị Ngọc đang sinh sống cùng "đàn con" của mình.
Căn nhà trong xóm rộng gần 400m2 nhưng ¾ diện tích được chị Ngọc dành làm nơi ở, dưỡng thương cho đàn chó, mèo
Những ngày giữa tháng 9, sau một quãng đường khá xa, chúng tôi tìm đến thăm căn nhà nhỏ của chị Ngọc. Biết chúng tôi tìm đường vất vả, chị Ngọc cười mở lời: "Chị mới về đây được khoảng 1 năm, dành toàn thời gian cho chó, mèo với công việc, cũng chưa có dịp tiếp xúc nhiều với hàng xóm nên tụi em hỏi rất ít người biết".
Cái duyên với chó, mèo tàn tật
Vừa mở cánh cửa sắt, 2 chú chó bị liệt hai chân trước quẫy đuôi rồi chạy đến quấn chân chị Ngọc như gặp lại người thân. Thấy tụi nhỏ phóng uế bừa bãi như một thói quen, chị Ngọc từ tốn bắt tay vào việc dọn dẹp, lau chùi phòng ốc. Dù công việc có vất vả xen chút dơ bẩn nhưng chưa bao giờ chị Ngọc bực bội, la mắng đàn con của mình.
Chị Ngọc xem đàn chó, mèo giống như những đứa con của mình
"Chị nghĩ tụi nó là một con vật vô tri, lại bị liệt nên không ý thức được chuyện đi vệ sinh ở đâu, chị phải dọn dẹp thường xuyên để chúng không bị lấm. Chị không thấy gớm ghiếc gì mà thấy tội nghiệp hơn", chị Ngọc nói.
Xuất phát từ việc thương chó, mèo từ nhỏ nên khoảng 10 năm nay chị Ngọc thường đem thức ăn cho đám mèo hoang ở các công viên. Việc nuôi chó, mèo tàn tật cũng đến với chị một cách tình cờ. Một ngày của 6 năm trước chị vô tình phát hiện một bé mèo liệt bị bỏ ở công viên, sợ em không qua khỏi nên chị đem về chăm sóc, đặt tên là Plus.
Nhưng không ai trong gia đình chị thích mèo, đợi chị đi làm thì Plus sẽ bị để ra đường, lúc đi làm về thì Plus mới được chị tìm đem lại vào nhà. Sau vài lần như thế thì chị quyết định chuyển ra trọ ở vì xót thương Plus.
Mỗi ngày, mọi việc chăm sóc, lau lùi nhà cửa đều do một tay chị Ngọc thực hiện
"Hôm đó chị đi về thì tìm hoài không thấy nó đâu, chị mới kêu lên ‘Plus ơi’, tiếng ‘meo meo’ trong xó đường vọng lại, cầm lòng không được nên hôm sau chị quyết định tìm trọ rồi chuyển ra luôn", chị Ngọc nhớ lại.
Thương Plus không thể đi lại, chị bắt đầu lên mạng mày mò tìm cách trị liệu. Thấy trên các web nước ngoài có những chiếc xe lăn phục vụ cho việc đi lại của chó, mèo bị liệt nhưng ở Việt Nam lại chưa có, chị bắt đầu tìm cách lắp ghép những chiếc ống nước, ống điện và bánh xe với nhau, công việc làm xe lăn gắn bó với chị cho đến bây giờ.
Những chú chó tàn tật được bố trí ở một căn phòng riêng để tiện chăm sóc
Ngoài việc làm xe lăn cho từng con, tập đi đứng, vật lý trị liệu cho chó, mèo được chị Ngọc xem trọng
Từ lúc có chiếc xe lăn, kết hợp với việc xoa rượu thuốc, Plus bắt đầu tập đi những bước chập chững rồi dần dần khỏe lại và mập mạp hơn. Từ đó hễ thấy chó, mèo tàn tật bị bỏ rơi là chị đem về nhà cưu mang. "Chăm sóc đến khi đứa nào biết đi lại thì đem cho, còn đứa nào không chữa được nữa thì chị nuôi luôn", chị Ngọc nói.
Thế nhưng không phải ai chị Ngọc cũng tin tưởng giao đứa con của mình, khi chị tìm hiểu đầy đủ thông tin, thấy an tâm mới giao chó, mèo cho người khác chăm sóc.
Từ một phòng trọ nhỏ chỉ đủ để nuôi mỗi Plus, số lượng dần tăng lên vài chục đứa nên chị không đủ sức để chăm sóc, từ đó chị quyết định chỉ nhận nuôi những đứa chị bắt gặp ngoài đường hoặc những đứa được người ta bỏ trước cổng nhà chị.
Gần 6 năm miệt mài với những công việc không tên, niềm vui lớn nhất mà chị Ngọc có được là thấy các con của mình được khỏe mạnh...
"Chị chỉ cứu những bé không ai nhận nuôi thôi, còn mấy bé được đăng trên Facebook hay nhiều người quan tâm thì sẽ có người cứu. Chị dành sức để chăm mấy bé đáng thương hơn", chị Ngọc tâm sự.
Nỗi lòng người mẹ lo cho đàn chó, mèo liệt
Vốn có một công việc ổn định ở một phòng tập gym, nhưng để có thời gian chăm sóc cho những đứa con của mình, đồng thời không ảnh hưởng đến người khác, chị Ngọc bắt đầu chuyển sang nghề làm, giao xe lăn và chạy xe ôm công nghệ.
"Ngoài tiền ăn uống thì việc chữa bệnh cũng chiếm một khoản không nhỏ. Có con bị liệt phải nằm một chỗ suốt đời, vệ sinh không kiểm soát nên chị phải tắm và sấy cho chúng đến 2 lần/ngày vì nhìn chúng bẩn chị không chịu được", chị Ngọc nói.
Hiện tại, chị Ngọc đang chăm sóc 44 chú mèo (có 3 chú mèo bị mù, liệt) và 15 chú chó (10 chú chó bị liệt).
Mỗi ngày, chị Ngọc đều phải thức dậy lúc tờ mờ sáng để tranh thủ dọn dẹp và chuẩn bị cơm nước cho những chú chó, mèo tàn tật thì chị mới yên tâm đi làm. Trong những lúc chờ "nổ cuốc", chị tranh thủ theo dõi các con qua camera được gắn ở nhà, thấy bé Vàng có ý định gầm gừ cắn bạn, chị Ngọc la lớn "Vàng ơi không được đánh bạn". Nghe tiếng chị Ngọc qua chiếc loa camera, chúng im phăng phắc rồi ngơ ngác nhìn nhau.
Biết được tấm lòng của chị Ngọc, nhiều người thầm kính phục. Thế nhưng cũng có nhiều người nghĩ rằng chị nhận chó, mèo tàn tật về để PR cho tên tuổi của mình. Bỏ ngoài tai những lời khó nghe, chị Ngọc cho biết dù ai nói thế nào đi nữa, đối với chị hạnh phúc lớn nhất ở thời điểm hiện tại là nhìn thấy đàn chó mèo của mình được khỏe mạnh, đủ thức ăn là chị vui lòng.
Mỗi chú chó, mèo, chị Ngọc đều đặt cho một cái tên để dễ dàng chăm sóc
Những đứa con được chị Ngọc tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày
"Nhìn các con từ lúc thoi thóp bên lề đường đến lúc chạy nhảy, đùa giỡn với các bạn là chị đã thấy hạnh phúc, còn công việc chăm sóc này là sứ mệnh của chị rồi", chị Ngọc cười nói.
Có nhiều lúc chị Ngọc cảm thấy không còn đủ sức nữa, bởi không phải con chó, mèo nào bị bại liệt chị nhận về nuôi cũng khỏe mạnh, bình an. "Lúc trước cứ một đứa chết là chị bị sốc nặng, cảm thấy bản thân bị bất lực rồi khóc hoài, khóc đến mức bây giờ không còn rơi nước mắt được nữa. Khi ấy chị cứ dặn lòng sẽ không cứu nữa nhưng ra đường thấy thương lại mang về. Nên thôi kệ, chừng nào chị nằm xuống thì chị không cứu nữa", chị Ngọc tâm sự.
Để có tiền trang trải sinh hoạt phí, mua thức ăn cho chó, mèo, chị Ngọc còn tranh thủ chạy xe ôm công nghệ
6 năm nhận nuôi chó, mèo tàn tật thì có đến 5 lần chị phải chuyển trọ vì chị sợ làm ảnh hưởng đến mọi người. Năm ngoái, chị được một một mạnh thường quân cho mượn miếng đất ở vùng ven thành phố để cất nhà cho thuận tiện trong việc nuôi chúng. Với số tiền ít ỏi có được, chị xây một phòng để ở, còn lại xây khu riêng cho chó, mèo, được chắn ngang bằng tường gạch và tấm tôn, rồi mỗi tháng kiếm thêm tiền tô thêm tường, lốp gạch...
Có lẽ với chị Ngọc, việc gia đình chị đã mở lòng hơn, chấp nhận việc chị nuôi chó mèo bị bỏ rơi là một nguồn động lực vô cùng quý giá để chị tiếp tục theo đuổi đam mê của mình..., cứt vớt những "đứa con" tàn tật bị mọi người vứt bỏ
Với chị Ngọc, việc cưu mang chó, mèo tàn tật rồi tìm cho chúng một nơi được yêu thương đã trở thành một phần không thể thiếu mà có lẽ suốt quãng đời còn lại, chị vẫn sẽ đồng hành cùng với những chú chó, mèo tàn tật...