Khám phá trường cấp 3 độc đáo bậc nhất Hà Nội: Không được dùng điện thoại, nam - nữ tách biệt, phải ký giấy nợ thay cho tiền mặt
Nếu lần đầu đặt chân đến, bạn nhất định sẽ sốc trước những quy định có 1-0-2 của ngôi trường cấp 3 này.
Bạn có bao giờ tưởng tượng đến cảnh ngày mình sẽ không dùng điện thoại đến 1 lần? Điều này với nhiều bạn trẻ có lẽ vô cùng đáng sợ, khi điện thoại được coi là vật bất ly thân, giúp hóng tin và bắt trend mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, có một ngôi trường nằm giữa thủ đô Hà Nội lại bắt buộc học sinh không được dùng điện thoại, không tiêu tiền mà... thay thế bằng ký gửi trên giấy. Những quy định khác biệt đã tạo nên sự độc đáo và mới lạ cho trường THPT Trí Đức - ngôi trường nội trú rợp bóng cây xanh giữa lòng thành phố.
Ngôi trường cấp 3 với những quy định kỳ lạ: Không dùng điện thoại, 2 tháng về thăm nhà/lần...
Trường học không dùng điện thoại, nam - nữ ở tách riêng
Vì là trường nội trú nên học sinh sẽ ở sống tập trung trong trường từ 1,5 - 2 tháng mới về thăm nhà. Thầy Hà Trung Hưng, Phó Hiệu trưởng đồng thời là người sáng lập trường cho biết, học sinh đến từ khắp 3 miền và chủ yếu là nhờ sự tin tưởng, giới thiệu của anh chị em trong gia đình rồi biết tên tuổi và tìm đến trường.
Trung bình mỗi năm trường tiếp nhận 600-800 học sinh. Vì là sống tập trung nên các quy định cũng vô cùng nghiêm ngặt. Trước khi vào học, mỗi học trò sẽ phải ký một biên bản dài đến 26 trang bao gồm các điều luật và nội quy.
Nổi bật trong số đó là việc học sinh không được sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào, nếu có sẽ do giáo viên chủ nhiệm quản lý và phải được sự cho phép trong trường hợp đặc biệt. Phân chia nam - nữ riêng theo lớp học, giờ ăn, giờ hoạt động ngoại khóa và khi sống trong ký túc xá. Học sinh không được sử dụng tiền mặt, thay vào đó sẽ ký vào "giấy nợ" trong canteen rồi cuối tháng "trả nợ" một đợt...
Chia sẻ về mô hình tách nam - nữ riêng biệt, cô Anh Tuấn (giáo viên Văn) cho biết: "Ở trường không chỉ dạy kiến thức mà còn rèn cả cuộc sống tập thể trong môi trường nội trú. Việc xếp lớp cũng tương ứng với xếp phòng, 3-4 phòng cùng ký túc xá hợp thành 1 lớp. Như vậy sẽ giúp các em đoàn kết, tạo cảm giác như 1 gia đình thu nhỏ.
Việc chia nam riêng - nữ riêng cũng giúp ngăn ngừa, hạn chế việc yêu sớm trước tuổi và các vấn đề giới tính. Bên cạnh đó, xếp lớp cũng tạo thuận lợi vì khi lên cấp 3, tư duy các bạn nam sẽ thường tiếp nhận nhanh hơn đồng thời thiên hướng ban Tự nhiên. Do nhà trường chia lớp theo mảng học cũng như xếp từ cao xuống thấp nên các bạn học sinh cũng dễ dàng tiếp thu kiến thức đúng với trình độ của mình.
Bên cạnh đó, các bạn học sinh vẫn có thể giao lưu với nhau trong các lớp nghệ thuật, sinh hoạt CLB hoặc hoạt động ngoại khóa trên sân trường".
Bữa ăn được chia theo từng ca, mỗi bữa kéo dài 15 - 20 phút.
Để bù đắp cho việc không có điện thoại di động tra cứu thông tin, trường THPT Trí Đức xây dựng 3 mô hình thư viện: Thư viện đọc với hơn 10.000 loại sách; thư viện truyền thống nơi được nghe - nhìn - xem băng video của nhà trường về các bộ phim thế giới, các tư liệu cuộc sống xung quanh; thư viện điện tử đồng thời cũng là phòng tin học. Những thư viện này đều được mở theo lịch và học sinh có thể đăng ký ca để lên phòng dùng thiết bị.
Tại trường, học sinh sẽ học 7 tiết/ngày, từ 7h sáng và kết thúc lúc 22h30 tối. Nề nếp vô cùng quy củ khi một ngày học trò được ăn 4 bữa (mỗi bữa kéo dài 15-20 phút), 10h20 kết thúc ca sáng, 15h30 trở đi dành cho hoạt động ngoại khóa và sau bữa tối kéo dài 15 - 20 phút là "ca 3" trước khi đi ngủ. Đây là giờ tự học buổi tối, để học sinh tổng ôn kiến thức hoặc dành thêm thời gian nghỉ ngơi sau 1 ngày học dài.
Vì không có điện thoại nên hoạt động ngoại khóa của các bạn học sinh chủ yếu là thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Nhà trường có đủ các phòng chức năng như: Phòng gym, bóng bàn, sân cầu lông, sân đá bóng, phòng tập múa... Nhờ đó mà nhiều học trò dù ngày trước nghiền game điện tử nhưng sau 1 thời gian đã hoàn toàn tập trung vào việc học hành.
Môn chính tăng 2-3 lần so với trường công, ai cũng sở hữu đôi ba tài lẻ
Do lịch sinh hoạt và học tập chỉ trong khuôn viên trường nên học trò rất tập trung việc học và sinh hoạt ngoại khóa. Theo cô Anh Tuấn chia sẻ, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở trường gần như tuyệt đối với tỷ lệ đỗ đại học/cao đẳng đạt 95%. Nhờ đó kết quả năm gần nhất, trường THPT Trí Đức lọt top 200 trường THPT có số điểm thi đại học cao nhất cả nước.
Tại trường, học sinh sẽ học 7 tiết/ngày cộng thêm 3 tiết tự ôn buổi tối, số lượng tiết cho môn chính tăng gấp 2-3 lần trường công. Trường có hơn 20 CLB như gym, bóng rổ, bóng đá, nữ công... giúp học trò có cơ hội tìm ra điểm mạnh nghệ thuật của mình.
Một năm sẽ có 2 kỳ học với 4 giai đoạn. Trung bình từ 1,5 - 2 tháng học sinh sẽ về nhà 1 lần, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày. Tiền học phí mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, thêm các chi phí như ăn ở, sinh hoạt... sẽ rơi vào 11 triệu đồng/học sinh. Đây được đánh giá là mức học phí vừa phải khi 1 học trò sẽ được rèn luyện trong môi trường nội trú quy củ, hạn chế di động và tăng cường rèn luyện thể chất.
Trong trường có rất nhiều lớp hoạt động ngoại khóa.
Bạn Nguyễn Bích Ngọc (học sinh lớp 11N1) tâm sự: "Hồi lớp 10 mới vào chưa quen mình cũng thấy các luật lệ khá khắt khe. Nhưng sau 1 thời gian mình thấy bản thân sống quy củ hơn, nếp sống cũng khoa học, không bị phụ thuộc vào công nghệ. Đôi lúc mình cũng mong lớp học sẽ có cả nam - nữ nhưng quả thật việc tách lớp cũng không hề khó khăn, chúng mình vẫn chơi và rất hòa đồng với nhau".
Trường THPT Trí Đức là trường nội trú duy nhất trên phạm vi thành phố Hà Nội. Khuôn viên trường rợp bóng cây xanh, không gian yên tĩnh nên ai lần đầu bước vào cũng cảm thấy thật khó tưởng tượng giữa lòng thành phố lại có ngôi trường yên bình đến vậy!
Cùng xem thêm một vài hình ảnh hoạt động khác của học sinh trường Trí Đức nhé!
Nguồn: Ảnh BBT, Trường cung cấp