Đang học dở đại học thấy chán, không hợp, ngừng lại hay... cố nốt?
Đang học thì bỗng nhiên bạn... thấy chán, hay thấy quyết định học đại học năm nào bị lệch hướng. Khi đó, bạn có dám từ bỏ?
Nếu một ngày, bạn chán học và mất phương hướng?
Thời sinh viên, thật may nếu bạn chọn được một trường học đúng ngành, tìm ra đam mê và sống quyết liệt với nó. Ở năm 3 đại học, lớp tôi đã đến nửa thành viên học theo kiểu "chán đời", học cho có hay chỉ cố gắng đạt tấm bằng khá rồi nay mai có cái "tấm A4" có vẻ đảm bảo được chút nào đó tương lai trong tay.
2-3 năm đầu đại học là khoảng thời gian đủ để bạn nhận ra bản thân có hợp với ngành mình đang chọn hay có muốn theo đuổi công việc đó trong tương lai. Nhưng 2-3 năm cũng là biết bao công sức, tiền bạc và thời gian đổ vào đó. Nói bỏ, không hề dễ; nhưng nếu chọn ở lại học tiếp thì cũng mông lung không biết rồi tương lai sẽ đi đâu.
Chúng tôi cũng đã có cuộc tranh luận với nhóm tác giả Hello GenZ, và đây là những gì những bạn trẻ ấy chia sẻ:
1
Bạn Vân Trang (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Mình nghĩ đối với các trường đóng học phí nhiều, chương trình vất vả như Bách khoa, Xây dựng, ngành Y thì nên nghỉ vì khi đó ngay cả việc học đã chiếm quá nhiều thời gian của các bạn.
Nếu trường học phí rẻ, chương trình nhẹ, môi trường năng động mà bản thân chưa biết ra sao thì học tiếp cũng được. Khi đó sinh viên vẫn nắm chắc được 1 tấm bằng, mà vẫn có thời gian học bên ngoài nhiều kỹ năng xã hội, đi học thêm, học nghề phụ đạo.
Đại học với mình không chỉ là học, còn là nơi khôn ra. Đến năm 3 quá nửa lớp đại học của mình đã thấy chán, muốn từ bỏ, học cho có. Tuy nhiên không ai phủ nhận môi trường đại học vô cùng năng động giúp chúng mình có thêm bạn bè, nhiều mối quan hệ cho công việc sau này".
2
Bạn Bùi Hiếu (20 tuổi, Đại học Kinh tế Quốc dân) tâm sự: "Với mình thì nên học nốt. Mình đã từng chọn thi lại, không đỗ lần 2 và vẫn tiếp tục học tiếp. Mình còn mông lung chưa biết đi đâu về đâu thì dù học trường nào cũng sẽ chán thôi.
Đại học cũng là học cấp 4, học khôn hơn khi không được đúng ngành sẽ học được kỹ năng khác. Đâu chỉ đại học, ra đời mình vẫn còn phải học nhiều thứ. Vậy nên mình nghĩ cứ học cho đủ cấp, rồi chuyển ngành khác sau cũng được. Làm gì cũng nên làm đến cùng, cứ đổi đi đổi lại người mệt mỏi cũng chính là mình thôi".
3
Bạn Hiền Minh (18 tuổi, cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) bày tỏ: "Hồi lớp 12, bố mẹ chúng mình thường mong con vào các ngành như Y, Kinh tế hay vào công ty nhà nước cho ổn định. Nếu bạn nào gia đình thoáng hơn thì sẽ cho gap year để trải nghiệm và suy nghĩ thêm về nghề nghiệp sau này.
Nếu đã đi học mà không hợp thì các bạn sẽ thường đổi ngành và đăng ký lại trường khác. Vì các bạn cho rằng tiền học và công sức mình bỏ ra phải xứng đáng với niềm vui và kiến thức nhận được từ việc học. Đấy là kiểu trải nghiệm quý báu trong 4 năm cuộc sống, chứ không phải bắt mình chạy theo deadline vô nghĩa rồi ra trường lại làm công việc hoàn toàn khác.
Còn với mình, quan điểm vẫn là phụ thuộc vào khả năng. Nếu không thích nhưng vẫn học được thì sẽ cố nốt có bằng đại học, còn nếu ngoài khả năng thì mới bỏ trường. Mình vẫn thiên về hướng ổn định, có bằng cấp đủ đảm bảo 1 phần trong tương lai. Còn hợp ngành hay không thì cứ để thời gian trả lời thêm".
4
Bạn Việt Trinh (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Mình nghĩ tùy quan điểm và tính cách, với người ưa ổn định và khá sợ mạo hiểm thì mình sẽ không từ bỏ trường đại học với các lý do sau:
- Mất thời gian và tiền bạc: Mất ít nhất khoảng 1-2 năm để bắt đầu lại, khi bạn bè cùng trang lứa đã ra trường ổn định thì mình lại loay hoay học tiếp. Vấn đề tiền bạc thì lại càng rủi ro và tốn kém hơn.
- Cơ hội rủi ro cao: Không ai dám chắc lần thi đại học thứ 2 sẽ đỗ vào ngành yêu thích và không ai dám chắc niềm yêu thích đó có tiếp tục thay đổi.
Với mình, còn nhiều cơ hội hơn là cứ mặc định chọn sai ngành rồi phải đi lại từ đầu. Chúng ta có thể học song bằng, tự rèn luyện và học hỏi những điều mình thích. Đi làm vài nơi lấy kinh nghiệm. Bản thân mình là người đang học 1 ngành khác với nguyện vọng ban đầu. Nhưng dần dần cũng có thể biến nó thành việc chấp nhận được".
5
Bạn Kiều Anh (20 tuổi, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tâm sự: "Mình thấy vẫn nên cố gắng học cho xong vì bản thân mình đã chọn nó, phải có trách nhiệm với nó. Thời gian, tiền bạc bỏ ra đã rất nhiều, cố gắng để hoàn thành một ngành học sau đó sẽ tiếp tục học cái mình thích, mình mê, vì cái mình thích cần có quá trình nhìn ra chứ không phải đôi phút hứng lên rồi ngộ nhận.
Nếu chọn sai lầm một lần nữa thì rất phí hoài tuổi trẻ. Bên cạnh đó còn có gia đình và những 'định kiến xã hội' cũng ghì chặt lên quyết định đổi trường, và nếu bản thân không đủ mạnh mẽ vượt qua, thì chi bằng cứ tiếp tục cố gắng theo đuổi con đường mình đang chọn".
6
Bạn Thu Vân (17 tuổi, trường THPT Bắc Thăng Long) bình luận: "Mỗi người đều nên có cho mình sự lựa chọn từ cấp 3, biết thế mạnh ở đâu và học ngành gì cho phù hợp. Tránh việc nghe tư vấn khắp nơi, loay hoay học theo hướng cha mẹ để rồi sau này hối hận.
Suy cho cùng, mình nghĩ là nên nghỉ. Vì học một ngành mình không thích thì có học đến mấy cũng khó suy nghĩ sâu xa, cố quá thành quá cố. Học như vậy chỉ tốn thời gian, tiền bạc là nhiều chứ khi ra trường chưa chắc đã đủ kỹ năng và kiến thức để làm việc".