3 ngày học mẫu giáo, 5 ngày học cấp 3, vào đại học năm 13 tuổi, thần đồng lại khiến cả nước chưng hửng vì không thể ra trường
Chàng trai này trở thành hiện tượng khi đã vào đai học với số điểm cao chót vót năm 13 tuổi.
Mọi người đều được sinh ra theo cách giống nhau, nhưng số phận và cuộc đời của mỗi người đều sẽ khác tùy theo những nỗ lực của bản thân và cộng thêm những gì mà tạo hóa ban cho chúng ta. Chẳng hạn như có nhiều người có những tài năng xuất chúng, có trí thông minh hơn người mà dù chúng ta có cố gắng hiểu tại sao họ có thể làm như thế thì cũng chẳng tìm được câu trả lời. Những người như vậy, chúng ta vẫn hay gọi là thiên tài.
Trong mùa thi đại học năm 2007, người ta bất ngờ vì trong danh sách trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa, trường đại học hàng đầu Trung Quốc có tên của một thiếu niên 13 tuổi tên là Tôn Thiên Xương. Lúc ấy, người ta không khỏi tò mò về những gì tạo nên thần đồng này.
Gia đình là yếu tố tạo nên thiên tài
Được biết, Tôn Thiên Xương sinh ra trong một gia đình gia giáo, cả bố và mẹ đều làm việc cho cơ quan Nhà nước, ông bà ngoại cũng từng là giáo viên. Gia đình này có tư tưởng khá cởi mở và hiện đại, họ tiếp nhận những suy nghĩ mới mẻ của lớp trẻ. Ông bà nội của Tôn lại rất coi trọng sự giỏi giang của con dâu và điều đặc biệt là tất cả đều có chung một quan niệm giáo dục con cái giống nhau.
Ngay từ lúc mới sinh ra, mẹ của chàng trai này đã dán các ký tự tiếng Trung Quốc lên tường nhà để Tôn được tiếp xúc với chữ từ sớm. Bà cũng hay dạy con nói tiếng Anh khi bắt gặp các hình ảnh trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như khi đi đường trong lúc mưa, thấy người khác che ô, bà ngay lập tức chỉ con nói "umbrella". Đến bệnh viện, bà cũng tập cho con đọc tên các phòng khám, trang bị sẵn thẻ đọc viết trong nhà. Dù không cố tạo áp lực hay kỳ vọng vào con, nhưng bố mẹ cũng mong cậu sẽ biết 2000 từ khác nhau và đọc nó một cách rành mạch khi 2 tuổi.
Trong phòng của Tôn Thiên Xương dành hẳn 1 không gian để chứa 4000 cuốn sách và hầu hết những cuốn sách này đều đã được Tôn đọc qua. Tất cả bao gồm nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, lịch sử, quân sự, văn học, âm nhạc, thư pháp, hội họa, cờ vua, thủ công mỹ nghệ, máy tính,...
Học mẫu giáo 3 ngày, học THCS trong 5 ngày rồi tự học ở nhà
Đến tuổi học mẫu giáo, mới tới lớp được 3 ngày, cậu bé bị cô phạt đứng nắng nửa ngày vì tè dầm trong quần. Lên 7 tuổi, cậu được đưa đến trường THCS nhưng ,ới 5 ngày thì lại bị phạt nửa tiếng vì đi muộn. Những điều này đã khiến gia đình của Tôn phải suy nghĩ về phương pháp giáo dục hiện tại có phù hợp với con mình không.
Ông nội của Tôn Kiến Xương từng chia sẻ: "Bản chất của giáo dục là bản chất của sự khai phóng." Ông cho rằng việc sao chép máy móc và lặp đi lặp lại không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ. "Một kỳ thi quyết định cả đời" khiến ông cảm thấy điều này rất bất lợi cho động cơ học tập của trẻ.
Vì vậy, cả gia đình quyết định dạy Tôn học tại nhà. 13 năm ông bà và cha mẹ đã cùng cậu bé đặc biệt này trưởng thành. Sau khi ông bà nghỉ hưu, cha mẹ của Tôn cũng nghỉ việc và công tác cho một ngôi trường tư thục nhưng không lâu sau đó nơi đây đóng cửa. Cuối cùng, họ tập trung vào việc giáo dục con cái tại nhà.
Dưới sự giáo dục của gia đình, Tôn hình thành nhiều sở thích như chơi cờ vua, vẽ, chơi bi và trượt patin. Anh còn có thể vẽ phác thảo trong hai phút và vẽ tranh bằng mực trong 10 phút. Anh còn có biệt tài ở 2 môn cờ vây và bóng bàn, rồi cả trồng ngô cũng tự mình làm được. Được biết, bố của Tôn thì cùng con tập chơi các trò chơi trên, còn mẹ thì giúp anh rèn luyện tiếng Anh, phần ông bà thì tự làm thẻ đọc chữ bằng bìa cứng.
Ngay bàn học của Tôn là hàng loạt những tập ghi chép lại những ý hay trong những cuốn sách kinh điển của Trung Quốc, nội dung những cuốn sách này đã được thần đồng này học thuộc lòng từ khi lên 8, lên 9 tuổi. Còn sách giáo khoa THCS hay THPT chỉ là tài liệu tham khảo thêm của cậu bé và việc học các môn học như trong trường chiếm một phần rất nhỏ trong quỹ thời gian trong ngày của Tôn.
Các giải thưởng anh đã đạt được là giải Nhất toàn đoàn cuộc thi nói tiếng Anh dành cho trẻ em ở địa phương lúc 5 tuổi. Năm 10 tuổi, anh đã vượt qua kỳ thi tiếng Anh Đại học Quốc gia lần thứ 4 và Vô địch quốc gia, Giải nhì cuộc thi Hóa - Lý dành cho lứa tuổi thiếu niên lần thứ nhất,...
Đỗ đại học năm 13 tuổi nhưng cú trượt dài vì ham chơi
Năm 2005, muốn con được tiếp cận với môi trường giáo dục chính thống nên bố mẹ anh đã gửi anh vào một trường THCS ở địa phương. Tại đây, cậu bạn tỏ ra thoải mái, dành hơn nửa thời gian tự học, còn lại là hoạt động nhóm, tham gia lớp học tương tác,... Anh không có chút căng thẳng hay áp lực gì khi đối diện với các kỳ thi quan trong như thi học kỳ dù thành tích không phải là tốt nhất trường,...
Năm 2006, Tôn thi đại học lần đầu tiên và đạt 594,5 điểm. Dù với kết quả này, anh có thể vào 1 ngôi trường đại học thuộc hàng top nhưng vẫn không đủ để anh vào học ngôi trường mà anh mơ ước là Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, do vậy mà anh quyết định học lại và thi vào đại học một lần nữa.
Lần quay trở lại này, anh xuất sắc đạt điểm 659, có tên trong danh sách trúng tuyển của Đại học Thanh Hoa, ngôi trường hàng đầu Trung Quốc. Nhưng để theo đuổi giấc mơ của mình, cậu vẫn chọn học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Lúc ấy, cậu là sinh viên nhỏ tuổi nhất trong lớp học của mình. Tuy phải chung lớp với những người hơn mình ít nhất 5 tuổi nhưng cậu cảm thấy hài lòng với những gì đang xảy ra, cậu tiếp nhận những thứ mới mẻ đến với mình bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Một trong những điều khiến người khác ấn tượng đến Tôn Kiến Xương là bài văn "Lộ thiên" từng gây chấn động. Lúc ấy cậu bé chỉ mới 13 tuổi nhưng cách hành văn rất tinh tế, tràn đầy sức sống. Cậu viết về cuộc sống dưới góc nhìn phóng khoáng, cởi mở mà khó ai có thể tưởng tượng những gì họ đang đọc là của một thiếu niên.
Được biết, sau khi vào đại học, Tôn Kiến Xương bắt đầu tỏ ra ham chơi. Bố của anh nói rằng vì có quá nhiều sở thích được luyện tập trước đó nên có lẽ năng lượng của con mình bị phân tán. Và năm 18 tuổi, đáng lẽ đã có trong tay tấm bằng để học tiếp lên các cấp học cao hơn sau đại học nhưng kết quả không mấy khả quan và cậu không nhận được bằng vì lơ là trong những năm tháng học tại trường. Điều này khiến Tôn phải đắn đo suy nghĩ lựa chọn giữa việc học lại hay kiếm việc làm.
Dù thế nào đi chăng nữa thì Tôn Kiến Xương vẫn là một thần đồng với sự xuất sắc so với các bạn đồng trang lứa. Cách giáo dục tuy có phần khác lạ nhưng rõ ràng Tôn đã không bị ép buộc quá nhiều và hoàn toàn thoải mái với những phương pháp giảng dạy từ gia đình. Ngay cả khi không có kết quả khả quan khi học đại học nhưng bố mẹ vẫn không quá khắt khe. Tuy vậy, điều chàng trai họ Tôn đang thiếu để duy trì được kết quả học tập tốt của mình đó chính là một môi trường giáo dục của một trường học thực sự ngay khi còn nhỏ, điều có thể giúp anh có được sự kỷ luật cho bản thân.