Uống cà phê mỗi ngày, người phụ nữ 30 tuổi bị loãng xương: có 4 nhóm người nên nói KHÔNG với loại đồ uống này
Cà phê có thể tăng sự tập trung và tỉnh táo trong công việc, nhưng nó lại dễ gây hại cho sức khỏe của xương khớp nếu sử dụng quá nhiều lần.
Đối với nhiều nhân viên văn phòng, cà phê là một loại đồ uống dễ gây nghiện và có thể giúp cơ thể minh mẫn, tỉnh táo hơn khi làm việc. Nhưng việc uống quá nhiều cà phê mỗi ngày lại có thể gây tổn thương tới xương khớp của bạn.
Gần đây, một người phụ nữ 30 tuổi ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã phải nhập viện điều trị mất 6 tháng do gặp phải triệu chứng đau vùng thắt lưng. Cô nghi ngờ rằng do mình làm thêm giờ suốt cả năm nên bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Tuy nhiên, khi tới bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ này mắc chứng loãng xương chứ không phải bị thoát vị đĩa đệm. Chỉ mới 30 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, người phụ nữ này khá bất ngờ và không tin kết quả này lắm.
Sau khi được bác sĩ hỏi kỹ hơn về thói quen hàng ngày, người phụ nữ này mới chia sẻ cô thường xuyên có thói quen uống cà phê hàng ngày. Có nhiều hôm vì muốn đảm bảo hiệu quả công việc mà uống liền mấy cốc cà phê để tăng sự tập trung khi ở lại làm thêm giờ. Chính điều này đã là thủ phạm gây ra chứng loãng xương khi người phụ nữ này mới chỉ 30 tuổi.
Tại sao uống cà phê nhiều lại gây loãng xương?
Lúc này, nhiều người có thể sẽ thắc mắc tại sao uống nhiều cà phê lại gây ra chứng loãng xương như người phụ nữ trên. Thực tế, nếu chỉ uống một lượng nhỏ cà phê vào thời điểm sau khi ăn sáng no, trong khung 10 giờ sáng thì không có vấn đề nào xảy ra với cơ thể. Nhưng nếu bạn uống một lượng lớn cà phê hàng ngày, đặc biệt còn uống vào tầm chiều tối muộn thì nhiều vấn đề sức khỏe sẽ dễ xảy ra.
Trong cà phê có chứa nhiều caffeine và đây cũng là chất có liên quan đến bệnh loãng xương. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Orthopaedic Surgery and Research (Tạp chí phẫu thuật chỉnh hình và nghiên cứu) vào năm 2006, caffeine có thể làm cho các tế bào xương (những tế bào có liên quan trong việc hình thành xương mới) hoạt động kém hiệu quả.
"Caffeine cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi ở ruột và tăng tốc độ bài tiết canxi, có khả năng dẫn đến tình trạng mất xương. Canxi là điều cần thiết để giúp xương chắc khỏe" - theo Julia Thomson, một y tá chuyên môn của Hiệp hội Loãng xương Quốc gia (The National Osteoporosis Society) cho biết. Vì vậy, cô cũng khuyên mọi người không nên uống quá 3 ly cà phê mỗi ngày và nên cho thêm sữa vì cà phê sữa có thể giúp chống lại các tính chất loại bỏ canxi của caffeine.
4 nhóm người nên "nói không" với cà phê
- Bệnh nhân bị loét dạ dày.
- Người đang dùng thuốc.
- Trẻ em, trẻ vị thành niên.
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt.
Nguồn và ảnh: Sohu, Dailymail, Aboluowang, RD, Internet