Thí sinh Olympia tạo ra Bluezone, Trưởng phòng cấp cao An ninh mạng: Thức trắng 48 tiếng tạo app, từng bị coi thất bại sau chương trình
Tuy nhà nhà đều dùng ứng dụng Bluezone nhưng ít ai biết người đứng đằng sau "app quốc dân" này lại là chàng trai chưa đến 30 tuổi, từng là thí sinh Olympia.
Trong thời điểm Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, góp công lớn trong việc ngăn ngừa và sớm phát hiện các ca nhiễm mới, những người thuộc diện F1 - F2 phải kể đến ứng dụng "quốc dân" Bluezone.
Nếu phát hiện một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh sẽ được nhập trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng. Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận trước đó.
Hầu hết ai cũng sử dụng nhưng ít người biết, người viết những dòng code đầu tiên của ứng dụng Bluezone là chàng trai gần 30 tuổi - Võ Duy Khánh. Anh chàng hiện là Trưởng phòng cấp cao, Phòng An ninh di động, Trung tâm nghiên cứu Mã độc lập thuộc tập đoàn Công nghệ Bkav. Và Duy Khánh cũng từng được biết đến khi là thí sinh Olympia năm thứ 9.
Võ Duy Khánh - Trưởng phòng cấp cao An ninh di động - một trong những người tạo ra ứng dụng Bluezone. (Ảnh chụp màn hình)
10 năm trước, anh chàng cũng từng tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia.
Làm việc không ngừng 48 tiếng, thức xuyên đêm để tạo ra "app quốc dân" Bluezone
Công việc của Duy Khánh hiện tại là nghiên cứu phát triển những tính năng và ứng dụng liên quan đến bảo mật, an ninh bảo vệ người sử dụng điện thoại di động.
Sau thời điểm bệnh viện Bạch Mai bùng phát dịch, nhóm của Duy Khánh được giao nhiệm vụ tìm hiểu công nghệ và hoàn thành app trong thời gian sớm nhất, đồng thời phải đơn giản và hiệu quả để người dân nào cũng có thể sử dụng được.
Sau khi tìm hiểu và quyết định sử dụng công nghệ Bluetooth Low Energy (công nghệ tiết kiệm năng lượng của Bluetooth) để phát triển Bluzone thì trong 48 tiếng liên tục đội core và đội viết app đã làm việc không ngừng nghỉ để ra bản demo đầu tiên. Có những hôm, cả đội phải thức trắng đêm làm việc, thậm chí 5-6 giờ sáng vẫn chong đèn ngồi họp bàn phương án tiếp.
Để tạo nên ứng dụng Bluezone, Khánh cùng nhóm mình đã nhiều đêm thức trắng hoàn thành dự án.
Duy Khánh tâm sự: "Thời điểm đó chúng mình đối mặt với bài toán phải làm xong trong thời gian vô cùng gấp rút. Đó không phải deadline bình thường, mà là nhất quyết phải làm bằng mọi giá, phải làm thật nhanh để cùng cả nước chống dịch.
Điều khó khăn thứ 2, công nghệ lõi là phần quan trọng nhất của Bluezone. Để nắm được và vận hành phù hợp cho dự án là điều rất khó. Trước đó 1-2 mô hình sử dụng công nghệ đó, nhưng Bluezone vẫn là ứng dụng sử dụng triệt để và hiệu quả nhất.
Tiếp đó là tính tương thích. Ứng dụng chạy trên 2 nền tảng Android và iOS nên việc tương thích giữa 2 nền tảng cũng là vấn đề lớn. Bằng sự cố gắng team đã xử lý được triệt để vấn đề đó trước khi ra mắt ứng dụng".
Khi ứng dụng mới ra mắt, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc ảnh hưởng quyền riêng tư của người dùng. Khi đó, nhóm phát triển đã quyết định lựa chọn dùng mã nguồn mở để người dùng biết trong app có những gì để người dân vừa an tâm sử dụng, đồng thời đóng góp ý kiến cho đội ngũ sản xuất.
Và quả thật, kết quả không hề phụ lòng người khi Bluezone được sử dụng cực kỳ hiệu quả và rộng rãi, trở thành "cánh tay" đắc lực cùng cả nước chống dịch. Bluezone nhanh chóng trở thành "app quốc dân" được nhà nhà sử dụng.
Duy Khánh chia sẻ kỷ niệm vui: "Trong lúc làm, team mình đối mặt với phần giải thuật sao cho tiết kiệm năng lượng nhất. Khi mọi người đưa ra ý kiến khác nhau, khi đó đã là 5-6 giờ sáng thì sếp vô tình nói: 'Cái này mấy bạn thí sinh Olympia là giải nhanh lắm đây!'. Mình mới quay sang thú nhận từng thi Olympia năm nào. Thế là cả phòng được trận cười không tưởng".
Từ cậu học trò chỉ dừng ở giải Ba tuần đến Trưởng phòng cấp cao
Duy Khánh là học sinh trường THPT Cờ Đỏ (Nghệ An). Bước vào chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Khánh chỉ dừng lại ở vị trí thứ Ba tuần khiêm tốn. Thất bại đó đã khiến cậu nam sinh buồn, có chút thất vọng và cả sụp đổ tinh thần một thời gian. Nhưng đó cũng là động lực giúp Khánh tiếp tục cố gắng hơn ở năm cuối cấp.
Thất bại đầu đời trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã tiếp thêm động lực cho chàng trai Duy Khánh. (Ảnh chụp màn hình)
Khánh tâm sự: "Đi thi thì tất nhiên ai cũng muốn thắng, nhưng chung cuộc mình chỉ được thứ Ba tuần. Cái mình đạt được trong cuộc thi là đã thất bại. Tuổi trẻ mà phải chấp nhận thất bại thì rất khó khăn, nhưng đó cũng là cái giúp mình chú tâm học hành hơn, đẩy mạnh những thế mạnh để có kết quả cao. Sau đó là lớp 12 chào đón, và quả thật chính thất bại trong Olympia đã giúp mình có kết quả năm cuối cấp thật tốt".
Sau đó, Khánh được xếp học sinh Xuất sắc đồng thời đạt 3 giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Toán, Hóa, Tin - học sinh đầu tiên của trường đi thi 3 môn và đậu cả 3.
Trong kỳ thi đại học, Khánh đỗ cả 2 trường top lúc đó là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Y Hà Nội. Anh chàng theo học Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, và được nhận thực tập ở Tập đoàn Công nghệ Bkav khi là sinh viên năm 2.
Khánh sau 10 năm đã có sự nghiệp khiến nhiều người nể phục.
Sau gần 10 năm, cậu học trò từng thất bại trong Đường lên đỉnh Olympia đã trở thành Trưởng phòng Cấp cao và là người viết những dòng code đầu tiên cho ứng dụng quốc dân Bluezone. Một hành trình rất dài và khó khăn nhưng là minh chứng cho việc nếu ai thật sự có quyết tâm thì sẽ gặt được trái ngọt.
"Không chỉ Công nghệ thông tin mà tất cả ngành học, một khi bạn đề ra mục tiêu thì phải cố gắng thực hiện được nó, còn không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đó là bản chất của cuộc sống.
Mình đã từng không nghe theo mọi người học Y để theo đuổi thứ mình thích. Hiện nay các bạn trẻ đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ và mình thấy được đôi chút bản thân trong đó. Tuy nhiên, bất cứ ngành học nào các bạn cũng nên chọn thứ mình thích và làm thật tốt thứ mình có".
(Nguồn: FBNV)