'Thằng Ròm' Trần Anh Khoa: 'Xém xíu là không có Ròm rồi, sau này nhất định trở về Việt Nam để làm một bộ phim máu lửa như vậy'
Cậu bé Ròm - Trần Anh Khoa với vai diễn quá đỗi ấn tượng ấy đã “chạy" đi đâu trong thời khắc đáng nhớ nhất của Ròm tại quê nhà?
Ngày 23/9 vừa qua, Ròm đã chính thức được công chiếu tại Việt Nam. Trải qua 8 năm sản xuất ròng rã, 1 án phạt 40 triệu đồng, vô số lần kiểm duyệt và đôi lần dời ngày phát hành, Ròm - "đứa con cưng" mang số phận quá lận đận của điện ảnh Việt cuối cùng cũng đi tới đích. Nhưng khi toàn bộ diễn viên, ê-kíp làm phim và cả làng giải trí với những ngôi sao đắt giá nhất cùng đổ về sự kiện ra mắt phim Ròm thì nhân vật quan trọng nhất lại vắng mặt. Đó chính là Trần Anh Khoa - nam diễn viên chính đảm nhận vai Ròm, em trai ruột của đạo diễn Trần Thanh Huy.
Cậu bé Ròm với vai diễn quá đỗi ấn tượng ấy đã "chạy" đi đâu trong thời khắc vinh quang nhất của Ròm tại quê nhà? Trần Anh Khoa đã lên đường sang Úc du học ngành quay phim sau khi kết thúc cấp 3 và không thể trở về Việt Nam ở thời điểm này. Khi ngỏ lời muốn Khoa tự quay hình để trả lời phỏng vấn, không nhận về những hình ảnh sang trọng và đẹp đẽ của một du học sinh giữa trời Tây, những gì chúng tôi nhận được còn thú vị hơn nhiều. Có lẽ cảm giác của bạn trong thời khắc bấm "play" clip phỏng vấn Khoa sẽ giống như tôi - reo lên sung sướng và đầy ngạc nhiên: "À! Thằng Ròm gầy gò, ăn nói chậm rãi và nhút nhát, bụi đời trong phim đây rồi!".
Trần Anh Khoa chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ về phim Ròm
Bắt đầu đồng hành cùng Ròm từ phim ngắn 16:30 cho đến cả một bộ phim điện ảnh, nhân vật Ròm có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?
Ròm là một nhân vật rất hiền lành. Một điểm đặc trưng khiến Ròm khác với Phúc là nó sống rất tình cảm, hiểu được giá trị của gia đình và biết được như thế nào là có ba, có mẹ. Kể từ khi Ròm vụt mất mái ấm đó, nó phải mưu sinh ngoài đường trong 5 - 6 năm trời để kiếm đủ tiền đi tìm lại mái ấm từng thuộc về mình. Nhưng không may thằng Ròm là người rất tình cảm nên kèm theo đó, nó có cái tính dễ tin người.
Quá trình "ăn ngủ" và trưởng thành cùng Ròm kéo dài nhiều năm tới như vậy, bạn học được điều gì từ nhân vật của mình?
Quan trọng nhất là phải tin tưởng vào chính bản thân mình, biết phân biệt cái nào đúng, cái nào sai. Không được tin người quá nhiều như thằng Ròm. Thêm một điểm mấu chốt, cũng chính là thông điệp mà bộ phim gửi đến cho khán giả là không được đứng, không được dừng. Đừng bao giờ đứng lại vì thời gian trôi rất nhanh. Tôi nghĩ mình không thể đánh mất một tuổi trẻ như thế được.
Kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất đối với bạn trong suốt quá trình "chạy" miệt mài cùng Ròm?
8 năm là cả một khoảng thời gian rất dài nên sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, buồn, vui. Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở phim 16:30 là khi tôi quay ở chân cầu Nguyễn Văn Cừ cảnh khóc, dây ná đứt bắn vào chân mình. Thật ra lúc đó còn nhỏ, tôi rất sợ vì anh Huy bảo sẽ cùng tôi cầm hai đầu dây kéo ra hết sức có thể, anh ấy buông tay ra, ná bắn vào tôi là xong. Anh Huy hỏi tôi kéo mạnh chưa, tôi cứ nói là kéo mạnh rồi nhưng sợ muốn chết, có dám kéo đâu? Hên sao khi anh Huy buông tay, dây ná chỉ đập vào gò má thôi chứ chưa vào mắt.
Trước cảnh bắn ná này, tôi phải diễn một cảnh khóc nức nở. Nhưng mọi người đã tìm rất nhiều cách như mua thuốc nhỏ mắt, hành, ớt chà lên mắt tôi mà không được. Sau 1, 2 ngày quay cảnh đó không xong, ê-kíp quyết định để lại đến cuối cùng. Tới ngày quay cuối, anh Huy bảo tôi: "Thôi Khoa, còn có 2 cảnh cuối cùng à, cưng ráng diễn cho xong luôn đi, không né được nữa rồi". Tôi ráng nhớ về những điều làm mình buồn nhất trong cuộc sống, thêm anh Huy ngồi bên cạnh "mồi" thêm chuyện, tôi đã rơi nước mắt thật. Không nhớ anh Huy hay ai hỏi tôi còn diễn được nữa không, tôi vừa khóc lóc vừa trả lời: "Còn diễn được, còn khóc được, tiếp đi".
Phim ngắn 16:30 là thế, còn kỷ niệm đối với phim Ròm đã nằm ở mỗi nơi tôi đi qua: đường ray tàu hoả, cầu Thủ Thiêm, Bình Hưng Hoà hay những khu phố ở quận 8. Các bạn để ý sẽ thấy trong phim Phúc mang giày, Ròm mang dép. Mỗi lần dí thằng Phúc là không thể nào không rớt đôi dép được. Nhưng khi bàn chân chạm xuống đất chứ không phải đôi dép, tôi bị ghẻ, những vết thương cũng xuất hiện nhiều. Tôi cũng bị cận mà không được đeo kính nên chạy ngoài đường như một thử thách vậy. Cứ diễn 1, 2 cảnh lại bị thương, chảy máu một lần đến mức mấy anh trong đoàn bảo: "Tú có bao giờ chảy máu nhiều như Khoa đâu?".
Cuộc sống sinh hoạt thường ngày có ảnh hưởng đến quá trình diễn xuất của bạn không? Bởi theo đạo diễn Trần Thanh Huy, Ròm được xây dựng nên từ câu chuyện của những người dân lao động, từ thực tế cuộc sống xung quanh anh trai bạn rất nhiều.
Tôi nghĩ không nhiều thì ít, những trải nghiệm thực tế có ảnh hưởng đến diễn xuất của tôi, dù tôi không nhớ cụ thể đó là câu chuyện hay trường hợp nào. Nhưng khi làm phim, không được để cảm xúc thực tế ảnh hưởng quá nhiều vì nó sẽ khiến mình không kiểm soát được tốt thứ mình đang làm. Diễn thì phải "bung" cảm xúc nhưng không được "bung" quá đâu, phải có kinh nghiệm điều khiển cảm xúc.
Trở thành diễn viên chính trong một bộ phim do anh trai ruột làm đạo diễn và biên kịch, bạn từng có lợi thế gì không?
Đương nhiên 2 anh em chúng tôi đều giúp đỡ lẫn nhau để làm xong việc. Ở phần tiền kỳ, tôi cũng phụ anh Huy đi tìm bối cảnh, diễn viên. Sau khi đóng phim xong, tôi phụ anh ấy làm phần hậu kỳ. Tất cả quá trình đó nhằm đi đến bước quan trọng nhất là dựng thành những thước phim mà các bạn xem bây giờ.
Cái lợi ích tôi thích nhất là vì ông anh mình làm đạo diễn, nếu tò mò cái này, cái kia trong đoàn phim thì cũng dễ dàng, thoải mái tìm hiểu hơn. Ví dụ tôi tới xin mượn, mày mò, ngắm thử máy quay phim Ròm. Phim Ròm có rất nhiều máy quay khác nhau vào các thời điểm, đó là những thiết bị mà chắc chắn sau này tôi sẽ sử dụng khi làm nghề.
Thế còn gia đình thì sao? Ba mẹ bạn có phản đối khi hai anh em theo đuổi một dự án dài hơi… hơn mức cho phép như Ròm?
Vào khoảng thời gian chúng tôi làm 16:30 và Ròm thì gia đình đã chấp nhận cho anh Huy làm nghề đạo diễn và tôi được theo nghề rồi. Trước đó, anh Huy đã phải vượt qua khó khăn và định kiến của những người lớn tuổi trong nhà về nghề đạo diễn, diễn viên. Mẹ luôn là người ở bên anh Huy, lắng nghe con mình thật sự muốn làm nghề gì, sẽ thành công trong nghề gì chứ không bắt buộc con cái phải theo ý mình.
Hồi xưa xém xíu nữa là nhà nội cho anh Huy đi học đá banh, làm cầu thủ rồi. Nhưng mẹ tôi thấy anh Huy không thích nên tự đi tìm hiểu nghề này. Có một câu chuyện rất vui là mẹ tôi đã kiếm mấy vai quần chúng đóng thử, còn rủ bạn thân xuống Vũng Tàu quay 2, 3 bộ phim lận. Phim còn nổi tiếng và được chiếu trên TV đấy! Sau khi đóng vai quần chúng, mẹ tôi thấy nghề này đáng làm và có thể phát triển từ thời điểm ấy, nên mẹ quyết định cho anh Huy đi học đạo diễn luôn.
Trần Anh Khoa chia sẻ về quá trình 8 năm đồng hành cùng anh trai Trần Thanh Huy làm phim Ròm
Hiện tại, bạn đang theo học ngành quay phim tại Úc. Quá trình tham gia Ròm chắc hẳn cũng ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp của bạn?
Từ lúc tham gia đóng phim 16:30, tôi đã bị ảnh hưởng rồi. Tôi được tiếp xúc với đoàn làm phim và biết về cơ bản mọi người sẽ làm như thế nào từ rất sớm. Ngay lúc ấy, tôi đưa ra quyết định liền: "Anh Huy ơi, em thích làm quay phim quá, chắc mai mốt em làm quay phim hoặc một nhà làm phim gì đó chứ em không làm diễn viên đâu".
Dự định của bạn trong tương lai có phải là làm một bộ phim đầy nhiệt huyết cho "đã" một tuổi trẻ như cách anh trai mình làm Ròm?
Chắc chắn tôi sẽ làm một bộ phim đầy máu lửa như Ròm. Tôi hi vọng sẽ được làm phim từ những câu chuyện tôi tâm đắc nhất hoặc giúp những người bạn kể về chuyện của họ. Những người quyết định học ngành phim đều có một câu chuyện sâu sắc muốn kể và muốn mọi người đồng cảm với thước phim ấy. Chắc chắn tôi sẽ làm một bộ phim ấn tượng trong trái tim mình chứ!
Vậy bạn có quay về Việt Nam để thực hiện dự định ấy?
Chắc chắn tôi sẽ quay về Việt Nam để làm phim của mình. Những nơi tôi thấy tâm đắc để quay phim đều ở Việt Nam cả. Việt Nam cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm dành cho tôi. Những con người, những câu chuyện tôi trải qua, đặc biệt là thành phố mà tôi lớn lên đã cho tôi rất nhiều thứ. Nếu muốn không bao giờ quên được những điều đó thì phải làm phim để xem lại.
Cám ơn những chia sẻ của Trần Anh Khoa!