Những bi kịch mang tên ADN: Bản giám định nghiệt ngã
Có thể nói, thời gian qua, những tiến bộ trong kỹ thuật xét nghiệm ADN đã góp phần mang lại nhiều niềm vui cũng như xóa tan nhiều nghi ngờ trong cuộc sống. Song bên cạnh đó, xét nghiệm ADN đối với một số trường hợp lại gây ra những bi kịch đau đớn.
Bi kịch của hai đứa trẻ
Cuối năm 2019 chúng tôi có mặt tại Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội và chứng kiến một phiên tòa đầy nước mắt. Đó là phiên xét xử bị can Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1985, thường trú tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) phạm tội giết người mà nạn nhân lại chính là 2 đứa trẻ vô tội.
Theo tài liệu từ cơ quan tố tụng, nhiều năm trước Duy kết hôn với chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1989, trú tại xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai). Sau 5 năm kết hôn, năm 2013 và năm 2015, chị H. lần lượt sinh hai người con, cháu đầu là trai và cháu thứ hai là gái.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đã nảy sinh và ngày một gay gắt khiến cho chị H. bỏ về nhà mẹ đẻ. Đồng thời, chị H. cũng có những hành động khiến cho Duy rất đau lòng. Trong một phút thiếu kiềm chế, Duy nảy sinh ý định sát hại hai con để người vợ phải ân hận suốt đời.
Ngày 18-5-2018, trên đường đi làm về, Duy rẽ vào một cửa hàng bán thuốc trừ sâu ở quận Hà Đông và mua một hộp thuốc trừ sâu dạng nước mang về cất vào bếp. Sáng sớm 19/5/2018, Duy viết tâm thư gửi bố, mẹ, anh, chị em ruột, cô, dì, chú, bác trong gia đình xin "tha tội bất hiếu" trước khi chết cùng hai người con.
Khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, Duy điều khiển xe máy đến nhà trẻ của hai con học và xin phép đưa con đi chơi. Đón hai con xong, Duy đưa thẳng về nhà mình và ngồi chơi với hai con được 15 phút trước khi pha thuốc trừ sâu cho hai con uống.
Bị can Nguyễn Văn Duy tại phiên toà.
Gây án xong, Duy uống nốt phần thuốc trừ sâu còn lại rồi nằm cạnh hai con chờ chết cùng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, do trong người khó chịu nên Duy nhiều lần nôn. Nghĩ rằng nôn như vậy sẽ không chết được nên Duy lên tầng 3 ngôi nhà của mình nằm trên tường trống để người rơi tự do xuống đất.
Trong lúc ngã từ tầng 3 xuống đất, người Duy mắc phải đường dây điện nên lực rơi xuống đất giảm đi nhiều khiến Duy chỉ bất tỉnh chứ không chết. Người dân phát hiện ra đã cứu Duy và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên Duy không nguy hiểm đến tính mạng. Ngày 21/5/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Duy.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) - người bảo vệ quyền lợi cho Duy - qua những lần gặp gỡ tiếp xúc, trò chuyện với bị cáo thì những khúc mắc, những bí ẩn phía sau vụ án kinh hoàng này đã được làm rõ. Và đây là một bi kịch rất đau lòng.
Năm 2008, Nguyễn Văn Duy kết hôn với chị H., kém 4 tuổi. Hai người đều có việc làm, cộng với sự hỗ trợ của gia đình nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thời gian đầu khá êm ấm, hạnh phúc. Sau hơn một năm mà vẫn chưa thấy vợ "có gì", Duy đã đưa vợ đến bệnh viện khám. Kết quả, "bộ máy" của Duy có vấn đề, rất khó có thể có em bé theo cách thông thường mà phải có sự hỗ trợ từ máy móc. Do mong muốn có con tự nhiên Duy cùng vợ tìm thầy tìm thuốc nhiều nơi, song chưa có kết quả.
Khi mà nỗi buồn về chuyện con cái đang đè nặng trong lòng, thì bất ngờ Duy nhận được thêm một thông tin còn buồn hơn. Đó là tin nhắn của một phụ nữ "tố" chị H. có quan hệ mờ ám với chồng cô ta, vốn là bạn học cũ của nhau.
Giữa Duy và vợ đã xảy ra cãi vã. Vợ Duy khẳng định người đàn ông đó chỉ là bạn cũ. Trong lúc quan hệ vợ chồng căng thẳng thì có người khuyên Duy nên đến một bệnh viện chuyên về chữa trị hiếm muộn để cấy ghép phôi. Sau khi khám, bác sĩ kê thuốc cho Duy uống để tăng "khả năng đàn ông" và tư vấn, nếu không mang thai tự nhiên sẽ tiến hành cấy ghép phôi.
Niềm vui bất ngờ đến với cặp đôi khi năm 2012, vợ Duy báo có thai. Sau khi đứa con đầu lòng chào đời, cũng có dư luận ì xèo về quan hệ phức tạp của chị H., song hạnh phúc được làm cha khiến Duy quên ngay lập tức.
Đến năm 2015, vợ Duy tiếp tục có bầu. Nhận tin này, Duy vui thì ít mà buồn thì nhiều. Bởi tự bản thân anh ta biết rằng không thể có khả năng làm bố tự nhiên. Nhưng nếu làm ầm ĩ lên, mọi người sẽ biết Duy yếu kém về "khoản kia". Chỉ nghĩ đến chuyện đó Duy đã không dám hé răng.
Con ngõ dẫn đến nhà bị can Duy trên địa bàn xã Bích Hòa, Thanh Oai - nơi xảy ra vụ án đau lòng. |
Sau khi cháu bé thứ 2 ra đời, cuộc sống của gia đình Duy thêm phần căng thẳng bởi những lời đàm tiếu ác ý nhằm vào chuyện con không giống cha. Quan hệ vợ chồng ngày càng rạn nứt, nhất là khi Duy phát hiện người vợ rất hay nhắn tin điện thoại vào thời điểm khuya khoắt.
Bí mật tìm hiểu các mối quan hệ trên mạng xã hội của vợ, Duy đã tìm ra một người đàn ông ở Hải Phòng có rất nhiều điểm đáng ngờ. Trong tin nhắn giữa hai người, có nội dung vợ Duy hỏi người đàn ông kia "có lấy em không?" và cho biết người thân đã đồng ý cho vợ Duy ly hôn. Người đàn ông kia trả lời bằng hình ảnh một chiếc chảo rán đậu với lời nhắn "Đậu trong chảo rồi thì chạy đi đằng nào".
Kết quả của cuộc truy vấn về người đàn ông kia là một trận cãi vã. Duy đập vỡ điện thoại của vợ, còn chị H. quyết định đưa cả hai cháu bé về nhà bố mẹ đẻ và đề nghị ly hôn.
Án tử sau kết quả ADN
Để giải tỏa những nghi ngờ bấy lâu nay về hai đứa trẻ, Duy quyết định lấy mẫu tóc của hai đứa con mang đi giám định ADN. Nhận kết quả, Duy đứng không vững khi biết cả hai mẫu đều không có quan hệ huyết thống với mình. Ngày nào Duy cũng khóc và suy nghĩ về chuyện này.
Rồi Duy quyết định nhắn tin hỏi thẳng vợ: "Hai đứa trẻ có phải con của tôi không?". Trái với những lần trước, lần này vợ Duy trả lời gọn lỏn "không phải con của anh" và cho biết đó là con của một người đàn ông đã có vợ con. Mặc dù rất đau khổ nhưng trong lòng Duy lại nảy ra suy nghĩ, nếu người đàn ông kia đã có gia đình thì anh ta không thể lấy đi vợ con của Duy được.
Duy chấp nhận nuôi hai đứa trẻ làm con mình bởi hai lẽ, thứ nhất Duy tự biết khả năng đàn ông của mình không thể giúp vợ thụ thai tự nhiên, thứ hai là Duy không muốn sự thật này lộ ra. Vì vậy Duy quyết định hẹn vợ nói chuyện về việc đưa các con về đoàn tụ gia đình, "quên quá khứ đi vì dù sao người kia đã có vợ con".
Người vợ đồng ý với điều kiện Duy phải viết giấy công nhận chuyện vợ ngoại tình, chuyện 2 đứa trẻ không phải con của Duy và không được can thiệp vào chuyện đi lại sinh hoạt của vợ. Nếu Duy cố tình đón con về thì chị ta sẽ công bố sự thật về hai đứa trẻ.
Sau này khi bị bắt giam, Nguyễn Văn Duy khai rằng trước khi gây ra tội ác, anh ta rơi vào trạng thái stress nặng khi một mình âm thầm chịu đựng tấn bi kịch khó nói. Đó là sự thật nghiệt ngã về bản giám định ADN không biết tỏ cùng ai. Bên cạnh đó là sự tự ti của người đàn ông "kém năng lực".
Duy cũng tâm sự với các điều tra viên rằng, anh ta sẵn sàng chấp nhận bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của người vợ để giữ gìn gia đình, bởi anh ta biết yếu điểm của mình ở đâu, mặt khác trong suốt quá trình chung sống, Duy thật sự yêu thương và chăm sóc hai đứa trẻ như con của mình. Còn nếu căng thẳng đến mức phải ly hôn thì khả năng Duy sẽ "mất cả chì lẫn chài".
Những tâm sự không thể chia sẻ với ai, cộng thêm thái độ ứng xử có phần dồn ép của người vợ khiến Duy không còn tỉnh táo để chọn ra giải pháp cho mình. Sợ mất tất cả, sáng 19/5/2018, Duy đã đón 2 con từ nhà trẻ về và thực hiện hành vi tội ác, sau đó tự tử với suy nghĩ nông cạn rằng sẽ mang hai đứa trẻ cùng sự thật đi theo anh ta...
Luật sư Nguyễn Anh Thơm rất day dứt khi tiếp cận vụ án. |
Cũng tại phiên tòa, rất nhiều người thân của hai vợ chồng, Hội đồng xét xử, các luật sư đều bày tỏ sự chia sẻ, tiếc nuối với câu chuyện đau lòng trên. Chị H. vợ của Duy cũng thừa nhận do vợ chồng hay cãi nhau nên đã tìm đến người đàn ông khác tâm sự, lâu dần phát sinh tình cảm ngoài luồng...
Biết Duy là người chồng, người cha tốt, song người phụ nữ này cũng chịu áp lực muốn được làm mẹ nên đã có lúc không chung thủy với chồng. Từ khi bi kịch xảy ra, cuộc sống của chị cũng ngập trong nước mắt. Chị không dám làm việc ở chỗ cũ, ít gặp người quen. Trước tòa, chị tha thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng...
Mặc dù Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị tuyên phạt Nguyễn Văn Duy mức án tù chung thân, song HĐXX vẫn tuyên bản án tử hình đối với Nguyễn Văn Duy do xác định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và các nạn nhân còn quá nhỏ, cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mới có tác dụng đấu tranh phòng chống tội phạm.
Sau phiên tòa trên, Duy đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Tuy nhiên, tòa cấp phúc thẩm đã không chấp nhận.
Tháng 2/2020, trong phiên phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định giữ nguyên mức án tử hình đối với Nguyễn Văn Duy. Vậy là trước pháp luật, Duy đã phải chịu một bản án nghiêm khắc, song bản án lương tâm có lẽ còn cắn rứt Duy và vợ thêm nhiều thời gian nữa.
Và, thật đau lòng khi những bi kịch mang tên ADN vẫn tiếp diễn. Một vụ án xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) gần đây đã cho thấy rất nhiều vấn đề phát sinh hậu xét nghiệm ADN. Kết quả ADN đã giải thoát tâm lý cho nhiều người khi họ mang nặng mối hoài nghi. Thế nhưng, nước mắt dường như nhiều hơn nụ cười...
(Còn tiếp)
Ba người trong gia đình thiệt mạng sau khi có kết quả xét nghiệm ADN Tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra một vụ án rất đau lòng mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai vợ chồng sau khi xét nghiệm ADN.
|