Cựu thí sinh Olympia học RMIT bỏ lương nghìn đô làm thợ xăm: Từng mơ học Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng nghề xăm chọn mình
Bước ra từ cuộc thi kiến thức Đường lên đỉnh Olympia mà bao thế hệ học sinh ao ước được tham gia, Lương Việt Nga không đi theo con đường trở thành một nhân viên bàn giấy với mức lương nghìn đô mà rẽ hướng học làm nghề xăm.
Nhiều người thường định nghĩa hai chữ thành công đơn giản bằng việc học hành giỏi giang, có một công việc tốt với mức lương cao ngất ngưởng, có tiền để sắm đồ hiệu, có địa vị cao trong xã hội và được nhiều người nể phục. Nhưng bạn có biết rằng, sống và được làm với những điều mình thích, hài lòng với thực tại đang diễn ra chung quanh mình cũng là một dạng của thành công?
Cô gái Lương Việt Nga là một người như vậy. Bước ra từ cuộc thi đỉnh cao tri thức Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 7, nơi mà mọi người nghĩ rằng chỉ dành cho những mọt sách, những học bá, chị chọn cho mình một lối đi riêng và có phần khác biệt so với số đông những Olympians còn lại là trở thành một thợ xăm. Công việc này đã cho chị sống đúng là chính mình và với chị đó là một sự thành công!
Từ nhân viên bất động sản, quyết định chơi lớn rẽ ngang học nghề xăm
Lương Việt Nga theo học ngành Thương mại, trường Đại học RMIT. Chỉ trong vòng 2,5 năm chị đã hoàn thành chương trình học và bắt đầu thử sức mình ở một vài công ty. Chị từng làm cho một doanh nghiệp bất động sản của nước ngoài và sau đó là một công ty bất động sản của một tập đoàn viễn thông trong 3 năm. Mức lương nghìn đô ở một nơi có chính sách phúc lợi cực kỳ tốt là những gì mà chị nắm trong tay khi mới ra trường. Với nhiều người, ở tuổi 21, để có những bước tiến dài và rộng trong sự nghiệp như cô gái cá tính này thì quả là điều đáng mơ ước.
Nhưng rồi, 24 tuổi, chị nghỉ việc và bắt đầu hành trình tìm hướng đi mới cho bản thân. Và rồi chị tìm thấy những người bạn học kiến trúc đầy tính nghệ sĩ, họ yêu thích nghệ thuật, trong đó có cả xăm hình. Những người bạn này đã để chị xăm những vết mực đầu tiên, từ đó chị nhận ra cảm giác mới mẻ khi được xăm lên cơ thể của một người khác.
Chi tâm sự: "Cảm giác được xăm cho ai đó mạnh mẽ tới mức mình phải tự đặt câu hỏi cho chính mình: 'Mình là ai mà xứng đáng làm điều đó?' Và mình quyết định rằng mình sẽ không tiếp tục xăm cho một người khác nếu như mình chưa được đào tạo một cách bài bản, mình cũng hứa với bản thân nếu có thời gian thì mình sẽ học một cách tử tế, như một cách hoàn thành trách nhiệm với những hình xăm và những người bạn đầu tiên đã để cho mình xăm. Để đó không phải chỉ là một trò chơi!"
Thế rồi, cô gái đã cầm trong tay tấm bằng đại học chỉ làm thêm việc nộp hồ sơ là sẽ xin được một công việc "ngon lành" lại phải quay lại hành trình học hỏi một lĩnh vực khác hoàn toàn so với những gì mình từng tiếp xúc. Việt Nga nhận ra, công việc này thú vị hơn rất nhiều so với chị tưởng tượng, và dần dần chị cảm nhận rằng mình yêu công việc này vô cùng.
"Với mình hình xăm là một điều đẹp đẽ lắm. Chúng ta không thể quyết định việc chúng ta sinh ra như thế nào, nhưng chúng ta có thể thay đổi cơ thể đó theo cách mà mình muốn. Đối với mình, hình xăm là sự tuyên bố chủ quyền của một người với cơ thể của chính mình, với cảm xúc của mình, với quá khứ của mình, và một cách nào đó, là cuộc đời của chính mình...", cô gái cá tính này chia sẻ.
Dù giờ đây, công việc thợ xăm của chị tách biệt hoàn toàn với ngành nghề chị đã theo học trên ghế giảng đường, nhưng chị cho biết thời gian tại RMIT không hề lãng phí. Chị chia sẻ, mình đã có một trải nghiệm giáo dục tốt và phù hợp nhất những năm tháng tuổi trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho bản thân. Chị cho rằng, những gì mình đã học được sẽ theo mình suốt đời như kiến thức về kinh doanh, cách phân tích và nhìn nhận vấn đề...
Việt Nga nói: "Việc có một tấm bằng đại học danh giá cũng là một 'tấm đệm', nếu như mình không đạt được thành tựu nào với nghề xăm thì mình vẫn có thể xin việc và làm những công việc khác. Mình nghĩ rằng không học hành mới là lãng phí thanh xuân, vì tuổi trẻ là thời điểm tốt đẹp nhất để tiếp thu kiến thức và định hình cách tư duy của mỗi người!"
Tự lập từ năm 21 tuổi, thành tựu sau 6 năm là studio với hàng nghìn lượt khách
Từ sau khi tốt nghiệp đại học, dù chỉ mới 21 tuổi nhưng Việt Nga đã trở nên chín chắn và độc lập, với cá tính mạnh mẽ, Nga luôn muốn làm chủ những suy nghĩ và quyết định của bản thân. Chị bắt đầu học cách tự chịu trách nhiệm mọi vấn đề của chính mình và không cần sự hỗ trợ nào về mặt tài chính từ gia đình cả. Sau khi làm công việc bàn giấy được vài năm, chị tích góp cho mình được một khoản tiền tiết kiệm rồi mới có những hướng rẽ khác cho sự nghiệp, cụ thể là nghề xăm.
Chị chia sẻ, để bắt đầu công việc ở lĩnh vực hoàn toàn mới là một thử thách, nhưng cũng vì vậy nó trở thú vị hơn rất nhiều. Chị cũng từng nghi hoặc và có những lúc chùn bước khi nhìn thấy thực tế xung quanh. "Bản thân mình không phải là người sinh ra đã là nghệ sĩ, nên để làm công việc liên quan tới nghệ thuật mình phải bắt đầu hoàn toàn từ đầu. Và thật sự là mình cũng chứng kiến rất nhiều bạn bè của mình không thể sống được với đam mê hay sở trường của mình, nên mình cũng không dám chắc chắn rằng mình có thể làm nên cơm cháo gì được," Nga nói.
Thế nhưng, rất may, trong suốt hành trình học hỏi và theo nghiệp xăm của mình, chị không gặp phải quá nhiều những soi xét của người khác về công việc. Chị cho biết, mình thường tách biệt gần như hoàn toàn cuộc sống riêng tư với công việc và công việc không phụ thuộc vào hình ảnh cá nhân của chị. Chị cho rằng những gì chị làm phản ánh con người mình, chị không cố gồng mình để trở nên "cá tính" hoặc "nguy hiểm" mà luôn chân thành, vậy nên may mắn là bên cạnh Việt Nga luôn có những bạn bè và khách hàng hiểu chị.
Đến nay, sau 1 thời gian "bẻ lái", cô gái này có 1 studio của riêng mình đã hoạt động được 6 năm, đã xăm cho hàng nghìn khách hàng và với chị, những điều như thế được duy trì trong một thời gian dài cũng đã là một thành tựu của chính bản thân chị. Chị từng nghĩ sau 2 năm, nếu không nhận được sự đón nhận của người khác từ công việc mình đang theo đuổi, chị sẽ tìm kiếm một ngã rẽ khác nhưng có vẻ đến nay, chị đã minh chứng cho người khác được thấy mình đang sống tốt với công việc mà chị đã chọn.
Theo nghệ thuật nhưng sống lý trí: Nếu không hiểu rõ bản thân thì rủi ro theo đuổi cảm tính là rất cao
Đối với nhiều người, có lẽ Việt Nga đang chạy theo những mơ mộng của bản thân nhưng những suy nghĩ của chị lại cho thấy chị là một người sống lý trí. Việc rẽ ngang sang trở thành một thợ xăm ngoài yêu thích thì với chị đó là một công việc phù hợp với bản thân. Chị tâm sự: "Xăm đúng là công việc mình thích, nhưng với mình nó không phải là 'đam mê'. Thật ra mọi người hay bị quan trọng hóa chữ 'đam mê' sống phải có đam mê, theo đuổi đam mê, làm việc vì đam mê…
Đối với mình, ban đầu xăm là một công việc phù hợp với bản thân mình, với khả năng, cá tính và những thứ mà mình cho là quan trọng trong cuộc sống. Ví dụ như việc mình có thể dành thời gian cho bản thân, gia đình, tình yêu, các sở thích và việc học tập khác…"
Chị cho rằng đam mê giống như tình yêu, mà tình yêu thì có lúc sẽ là mù quáng, cũng như tạo ra đau khổ nếu như không được đền đáp. Nên nếu bạn không hiểu rõ bản thân mình và điều mình theo đuổi có phù hợp hay không, thì rủi ro của việc theo đuổi cảm tính là rất cao. Tìm một công việc có độ phù hợp cao nhất với bạn, thì bạn sẽ dễ yêu nó hơn, và tình yêu đó cũng sẽ lành mạnh hơn.
Việt Nga còn cho biết thêm: "Lúc mình bắt đầu làm xăm, mình cũng bắt đầu như bắt đầu một kế hoạch kinh doanh vậy, cũng phải cân nhắc khả năng thâm nhập thị trường, định hướng thương hiệu, sản phẩm, các rủi ro, dự đoán về tài chính, kể cả chiến lược rút lui.. nghe có chút không được 'lãng mạn' lắm!".
Những người đam mê kiến thức như Quán quân Olympia luôn có chút "ngây thơ", từng nghĩ mình sẽ học Tiến sĩ
Nói về Olympia, Việt Nga cho biết dù quãng đường gắn bó với chương trình không dài, chỉ dừng ở vòng thi tuần nhưng nó lại có tác động to lớn đến cuộc sống của chị sau này. Nhờ chương trình, chị có thêm những người bạn tuyệt vời, được tiếp xúc với những cái tên giỏi giang. Chị chỉ nhận mình là một phần tử rất nhỏ trong một tập thể rất lớn và cảm thấy hết sức may mắn và vinh dự khi được mọi người nhớ tới.
Nói đến Quán quân Olympia năm thứ 20, chị tâm sự: "Có lẽ ai cũng biết câu chuyện Ơ-rê-ka và nhà khoa học Ác-si-mét, ông đã tìm ra lực đẩy Ác-si-mét khi đang tắm, và ông cứ như vậy chạy ra đường reo mừng. Mình nghĩ rằng khi người ta vui sướng, thì làm một vài hành động ăn mừng một chút cũng chẳng có gì sai, nữa là những con người đam mê với kiến thức, họ luôn hơi có chút 'ngây thơ' với việc đối nhân xử thế thôi. Tới bây giờ, chúng ta cũng chỉ còn nghĩ tới hành động đó của Ác-si-mét thật buồn cười, và một cách ấn tượng để chúng ta nhớ tới định luật đó, chứ đâu có đánh giá gì về nhân phẩm hay con người của ông ấy đâu!".
Chị chia sẻ mình không phải là Thu Hằng để hiểu được cô bạn này nghĩ gì nhưng với góc nhìn và sự quan sát của một người trưởng thành, có những kinh nghiệm sống nhất định, chị cho rằng người khác sẽ hiểu hơn về Nhà tân vô địch khi cô bé lớn lên và xem những thành tựu mà em ấy đạt được.
Nhìn lại bản thân, khi ở độ tuổi của Thu Hằng, Việt Nga cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ, càng không nghĩ mình là một thợ xăm. Chị đã từng vẽ ra bức tranh là mình sẽ học thật giỏi, sau đó học Thạc sĩ, Tiến sĩ, nghiên cứu khoa học và cống hiến xã hội. Dường như, đó là những ước mơ thuở bé của những học sinh lớn lên từ trường chuyên lớp chọn. Nhưng dù đang không còn ở trong môi trường học thuật nhưng chị vẫn say mê kiến thức và luôn dành sự kính trọng cho việc học tập.
Mỗi người đều có định nghĩa riêng về sự thành công của bản thân, Việt Nga cũng vậy, cô gái này cảm nhận về thành công chính là hoàn thành công việc và đạt được mục tiêu cá nhân, thêm nữa là mình thỏa mãn với điều đó. Xăm hình cho chị cảm giác ấy mỗi ngày, khi cô ấy tiếp xúc với khách hàng và khi khách hàng ra về với nụ cười trên môi. Mỗi ngày hoàn thành tốt nhất công việc ngày hôm đó của chị thì đối với chị đó đã là thành công.