Chuyện đời đủ 'twist' để viết thành tiểu thuyết của Agatha Christie - nữ nhà văn trinh thám nổi tiếng nhất lịch sử
Ít ai biết rằng Agatha Christie - nữ nhà văn trinh thám với doanh số hơn 2 tỉ bản trên toàn cầu - còn có một cuộc đời cũng rất thú vị và nhiều điều bất ngờ.
Ngày 15/9 vừa qua chính là kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Agatha Christie - một trong những tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng nhất mọi thời đại. Những tác phẩm của bà có doanh số lên tới 2 tỉ bản, trong khi Hercule Poirot, rồi Bà Marple... thì lọt vào danh sách thám tử hư cấu nổi tiếng nhất bên cạnh Sherlock Holmes của Conan Doyles.
Nhưng có một điểm ít người biết về Agatha Christie, đó là cuộc đời của bà cũng cực kỳ thú vị, đến mức bản thân nó cũng đủ để làm nên một cuốn tiểu thuyết khác rồi.
4 tuổi biết đọc, 10 tuổi làm thơ, nhưng cả tuổi thơ cô độc
Agatha Mary Clarissa Miller sinh ngày 15/9/1890, là con út trong gia đình 3 anh chị em của đôi vợ chồng Frederick Alvah Miller và Clarissa Margaret Miller. Bà có chị gái là Margaret Frary (1879), và anh trai Louis Montant (1880).
Nhà Miller vốn có nhà tại Devon (Anh), nhưng không thường sống ở đó. Trái lại, họ đi du lịch rất nhiều, thậm chí có lần dành cả năm trời chu du vòng quanh nước Pháp.
Agatha kể lại, mẹ bà - Clara - khăng khăng giữ ý định không để bà đến trường mà tự học ở nhà. Thậm chí, Clara còn không muốn biết bà biết đọc cho đến khi 8 tuổi, nhưng cô bé Agatha tò mò đã tự tìm cách học đọc ngay mới lên 4.
Không đến trường, anh chị lại chênh khá nhiều tuổi, tuổi thơ của Agatha chủ yếu là chơi một mình với vật nuôi, cùng những người bạn... tưởng tượng. Bà thích đọc, thích viết, và có thể làm được bài thơ đầu tiên vào năm 10 tuổi.
Năm 1901, cha của Agatha qua đời. Sau này, nữ nhà văn thừa nhận rằng đây là một biến cố lớn, khiến cho tuổi thơ của Agatha chính thức chấm dứt vào năm 11 tuổi.
Đến năm 1905, bà Agatha được mẹ gửi tới Paris để theo học một trường nghệ thuật, chuyên ngành piano và hát.
Tác phẩm trinh thám đầu tiên: Tất cả đến từ một lời thách thức
Năm 18 tuổi, Agatha cho ra đời truyện ngắn trinh thám đầu tiên, mang tên "The House of Beauty" (Ngôi nhà của Người đẹp). Sau đó, bà tiếp tục viết một loạt truyện khác dưới nhiều bút danh khác nhau.
Thực tế thì rất nhiều tác phẩm của Agatha trong thời kỳ này đã bị các nhà xuất bản từ chối, bao gồm cả cuốn tiểu thuyết đầu tiên - Snow Upon the Desert (Tuyết trên sa mạc). Tuy nhiên, với nguồn cảm hứng bất tận từ 2 tiểu thuyết gia Wilkie Collins và Arthur Conan Doyle, bà vẫn không từ bỏ.
Nhưng phải đến năm 1920, sau một lời thách đố từ chị gái, cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên - The Mysterious Affair at Styles (Thảm kịch bí ẩn ở Styles) mới ra đời. Đây cũng là màn "debut" của thám tử Hercule Poirot, điều tra viên Japp và Arthur Hastings trước công chúng, trở thành cột mốc đáng nhớ cho sự nghiệp viết lách thành công của Agatha Christie sau này.
Kết hôn 2 lần và vụ mất tích bí ẩn rầm rộ truyền thông
Agatha Christie gặp người chồng đầu tiên - Archibald Christie, một sĩ quan quân đội - trong một buổi khiêu vũ vào năm 1912. Đám cưới được tổ chức vào Giáng sinh năm 1914, và họ có với nhau một cô con gái - Rosalind Margaret Clarissa.
Năm 1922, vợ chồng Christie để lại Rosalind cho bà ngoại, lên đường chu du vòng quanh thế giới. Họ tới Nam Phi, Hawaii, Canada, Úc, rồi New Zealand. Tại Hawaii họ học cách lướt sóng, và trở thành những người Anh đầu tiên làm được điều đó.
Agatha và người chồng thứ 2 tại Athens (1958)
Nhưng đến năm 1928, cả hai đường ai nấy đi. Archibald lấy vợ mới chỉ sau đúng 1 tuần, trong khi Agatha vẫn giữ lại họ của chồng làm bút danh viết tiểu thuyết. Đến năm 1930, bà tới Baghdad (Iraq) và gặp được Max Mallowan - một nhà khảo cổ học, cũng là người chồng thứ 2. Cùng nhau, họ đi khám phá những di chỉ khảo cổ mới, thứ đã tạo cảm hứng cho rất nhiều cuốn tiểu thuyết sau này của Agatha. Cả hai sống hạnh phúc cho đến khi Agatha Christie qua đời vào năm 1976.
Trong cuộc hôn nhân đầu tiên của bà, có một sự kiện rất đáng chú ý. Đó là ngày 3/12/1926, Agatha Christie đột nhiên biến mất sau một cuộc tranh cãi với Archibald. Trước đó ít lâu, Archibald đã đề nghị ly hôn, do ông đã phải lòng một người phụ nữ khác. Và ngay trong buổi sáng mất tích, người ta tìm thấy xe của Agatha cạnh một mỏ đá với tấm bằng lái đã hết hạn, cùng vài bộ quần áo bên trong.
Vụ mất tích đã thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông. Thậm chí nhiều tờ báo còn đề nghị trao thưởng cho bất kỳ ai có thông tin về nữ tiểu thuyết gia. Cảnh sát cũng vào cuộc, rồi hàng ngàn tình nguyện viên đồng lòng tìm bà.
Rốt cục đến ngày 14/12/1926, người ta tìm thấy bà trong một khách sạn tại Yorkshire, và bà sử dụng tên của tình nhân chồng để đặt phòng - Tressa Neele.
Bài báo đăng tin Agatha mất tích
Có rất nhiều giả thuyết đặt ra dành cho câu chuyện này. Một số người cho rằng lý do bà biến mất là vì quá tuyệt vọng, trong khi số khác tin rằng bà chỉ muốn khiến chồng xấu hổ nhưng không ngờ lại trở thành drama quá căng trước công chúng.
Di sản đồ sộ: 66 tiểu thuyết trinh thám, 14 truyện ngắn và một căn homestay còn dùng được đến tận ngày hôm nay
Agatha Christie qua đời vào ngày 12/1/1976, ở tuổi 85. Bà để lại một di sản gồm 66 cuốn tiểu thuyết, 14 tuyển tập truyện ngắn, tất cả có doanh số lên tới 2 tỉ bản. Những tác phẩm như Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông (Murder on the Orient Express) hay Và rồi chẳng còn ai (And Then There Were None) thậm chí còn trở thành kiệt tác kinh điển, được chuyển thể thành phim.
Ngoài ra, các fan của Agatha Christie ngày nay có thể tìm đến căn nhà của bà tại Devon - nơi hiện tại đang kinh doanh homestay - để có những trải nghiệm gần hơn đến cuộc sống của nữ tiểu thuyết gia đại tài.