Bí ẩn phía sau chiếc móng giả bằng vàng của dàn Hậu cung triều Thanh: Đâu chỉ đơn thuần là món trang sức đắt giá
Có lẽ những người thích xem phim truyền hình cổ trang Trung Quốc đều nhận thấy các phi tần trong phim đều nuôi móng tay rất dài và sử dụng một "tấm giáp" vàng để bảo vệ bộ móng của mình.
Thẩm mỹ của con người luôn biến hóa theo từng thời kỳ, đặc biệt là đối với phụ nữ - những người luôn cực kỳ để tâm đến cái đẹp. Từ cổ chí kim, không thể thống kê nổi đã có bao nhiêu trào lưu xuất hiện rồi thoái trào khiến chị em phụ nữ mải miết theo đuổi. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, có một thứ dường như rất khó thay đổi, đó chính là thói quen nuôi móng tay của phái đẹp.
Ảnh minh họa
Dẫu vậy, cách nuôi dưỡng và làm đẹp cho móng tay ở mỗi thời kỳ lại không giống nhau. Trong thế giới hiện đại, ở Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, người ta có thể nuôi móng tay với độ dài vừa phải và gắn lên đó đủ thứ màu sắc, vật trang trí bắt mắt. Còn ở thời cổ đại thì sao? Nếu là fan của phim cổ trang Trung Quốc, chắc hẳn ai nấy đều dễ dàng nhận ra bộ móng được "dát vàng nạm ngọc" của rất nhiều nữ chính - nữ phụ trên phim. Vậy bộ móng tay chỉ nhìn đã thấy đắt đỏ ấy có gì đặc biệt? Và liệu nó có gây bất tiện gì cho những người phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến hay không?
Theo ghi chép trong cuốn "Hán phi tử", ngay từ thời Xuân Thu (Xuân Thu là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ năm 771-476 TCN trong lịch sử Trung Quốc), một số phụ nữ Trung Quốc đã có thói quen nuôi móng tay dài. Nhưng phải đến triều đại nhà Thanh, việc này mới phát triển thành trào lưu của phụ nữ, đặc biệt là nữ quyến Hoàng tộc và những gia đình giàu sang, quyền quý.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai muốn cũng có thể nuôi móng tay một cách bừa bãi. Dù không được bất cứ bộ luật nào quy định, nhưng phải là những người đủ tư cách, đủ phú quý mới có thể nuôi được một bộ móng dài tiêu chuẩn.
Ảnh minh họa
Một bộ móng tay vừa dài vừa nhọn không chỉ dễ gây thương tổn cho bản thân người sở hữu hay những người xung quanh, mà còn vô cùng vướng víu, thậm chí khiến cho chủ nhân của nó không thể làm được việc gì cần dùng đến tay. Vì vậy, hiển nhiên là những người phụ nữ nghèo khó, thường phải làm việc nhà hay công việc đồng áng nặng nhọc sẽ chẳng có cơ hội nuôi móng tay rồi. Và cũng bởi nguyên nhân này mà nhiều phụ nữ thời xưa cho rằng nuôi móng tay càng dài thì càng thể hiện được địa vị cao quý của mình. Bộ móng của họ sẽ khiến người khác thấy được những người phụ nữ này chẳng bao giờ phải động tay động chân vào bất cứ việc gì, lúc nào cũng có người hầu kẻ hạ vây quanh chờ sai bảo.
Nhiều phụ nữ yêu cái đẹp thời xưa cảm thấy việc nuôi móng tay dài sẽ giúp ngón tay họ trông có vẻ dài và thanh mảnh hơn. Bên cạnh đó, một số người "mê tín" lại một mực tin rằng móng tay càng dài thì phúc khí của họ cũng sẽ càng dài theo. Bởi thế, các phi tần trong cung - không cần biết đang ở cấp bậc nào - cũng đều thích nuôi móng tay dài với niềm tin mãnh liệt rằng hậu vận của mình sẽ ngày càng đi lên.
Ảnh minh họa
Bắt nguồn từ những người phụ nữ trong Tử Cấm Thành, rồi lan rộng ra các gia đình bình dân trong dân gian, trào lưu nuôi móng tay dài dần trở thành biểu tượng thân phận của phụ nữ thời nhà Thanh. Có thể thấy, xã hội phong kiến thời xưa ngay đến việc làm đẹp cũng có thể là một biểu hiện phân chia giai cấp.
Nuôi móng tay dài đã khó, nhưng làm sao để không tự làm tổn thương bản thân bởi cạnh móng sắc nhọn và bảo dưỡng chúng thế nào lại càng khó khăn gấp bội. Có lẽ vì thế mà người ta phải nhọc công suy nghĩ và chế tạo ra những chiếc móng giả để bao bọc bên ngoài móng thật, giống như một tấm lá chắn kiên cố.
Ban đầu, những "tấm giáp" này được chế tạo khá đơn giản, sau đó được gia công ngày càng cầu kỳ với những vật liệu quý giá và hoa văn bắt mắt hơn. Không chỉ giới hạn ở việc khắc hình cỏ cây, hoa lá, người ta còn đính lên những chiếc móng giả bằng vàng vừa dài vừa nhọn ấy rất nhiều trân châu, đá quý. Và tất nhiên, móng giả càng đẹp lại càng đắt đỏ, càng thể hiện được đẳng cấp của người đeo nó, thậm chí nó còn được coi là "bảo vật" bất ly thân của những nữ nhân chốn Hậu cung. Vì vậy, những cung tần nhỏ bé chắc chắn không thể quá phô trương dùng móng giả quý giá vượt mặt chính cung, và cũng dễ hiểu khi chỉ riêng việc đeo móng tay giả thôi cũng đủ để tạo ra một cuộc "thâm cung nội chiến" không hồi kết.
Ảnh minh họa
Trong số những nữ nhân Hoàng tộc triều Thanh, Từ Hi Thái hậu được cho là người chăm sóc móng tay cầu kỳ nhất, đồng thời cũng là người sở hữu nhiều chiếc móng giả độc đáo và quý giá nhất.
Theo một số nguồn tin, móng tay ngón áp út và ngón út của Từ Hi Thái hậu có khi được nuôi dài tới 7-8 thốn (một trong những đơn vị đo chiều dài của người Trung Quốc), tính ra dài khoảng 23,3-26,7cm. Bộ móng của bà được ngâm nước ấm, làm sạch và tỉa tót mỗi ngày bởi những người chuyên trách. Bộ sưu tập móng giả của Từ Hi Thái hậu vô cùng đa dạng, mỗi chiếc trong đó đều không giống nhau, được chế tạo hết sức tinh xảo và toát lên sự xa hoa với đủ chất liệu từ vàng, mã não, trân châu cho đến các loại ngọc ngà châu báu quý hiếm.
Ảnh minh họa
Mặc dù thể hiện được cấp bậc trong xã hội, nhưng những chiếc móng tay này cũng gây ra không ít phiền toái cho người sử dụng. Với độ dài và độ sắc nhọn của nó, chỉ cần chạm nhẹ một chút cũng đủ gây ra những vết xước khó lành, không những vậy còn rất bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. May thay, giới Hoàng tộc và những người giàu sang thì luôn có người hầu kẻ hạ theo sát từng bước, ngay cả lúc giải quyết nhu cầu cá nhân cũng không ngoại lệ, thế nên họ hầu như chẳng phải tự mình làm bất cứ việc gì gây tổn hại đến "biểu tượng giai cấp" ấy cả.
Một vấn đề lớn được người ta quan tâm hơn cả là khi những vị phi tần chốn Hậu cung được Hoàng thượng triệu kiến thị tẩm, liệu móng tay giả có gây ảnh hưởng đến long thể của ngài hay không?
Ảnh minh họa
Kỳ thực, trong cung luôn có những quy tắc vô cùng nghiêm ngặt dành cho cung tần mỹ nữ mỗi lần được thị tẩm. Không chỉ phải tuân theo thời gian và cấp bậc để được Vua triệu kiến, mà những mỹ nhân này còn phải trải qua quá trình tắm rửa, kiểm tra gắt gao từ các vị thái giám tổng quản. Tất nhiên, móng tay của họ cũng sẽ được xử lý thật cẩn thận để không gây hại đến long thể. Trước khi được đưa tới chỗ Thiên tử, móng tay nhọn hoắt của những vị nữ nhân sẽ được mài tròn, sau đó được bôi một lớp dầu đặc biệt. Lúc được sủng ái, các cung tần mỹ nữ cũng phải hết sức cẩn thận trong mọi hành động để không gây tổn thương cho Hoàng đế.
Vậy mới thấy, những chiếc móng tay quyền quý ấy thật chẳng đơn giản chút nào, nó không chỉ thể hiện cấp bậc của nữ nhân trong xã hội phong kiến, mà còn đại diện cho những mong ước phú quý của người thời xưa. Và dù có gây ra bao rắc rối hay bất tiện, móng tay giả bằng vàng vẫn luôn được coi là vật bất ly thân của những vị nữ nhân quyền quý dưới triều đại nhà Thanh.
Nguồn: Sohu, Bajiahao