Berlin đề nghị quân đội vận chuyển khẩu trang để tránh bị ‘hớt tay trên’
Chính quyền thành phố Berlin đã đề nghị quân đội Đức hỗ trợ bảo đảm cho việc vận chuyển khẩu trang và các đồ bảo hộ y tế khác, sau khi có những thông tin trái ngược về sự biến mất của 200.000 chiếc khẩu trang mà Berlin mua cho lực lượng cảnh sát của họ.
Một phát ngôn viên của Bundeswehr, lực lượng vũ trang của Đức, xác nhận có nhận được yêu cầu này và đang nghiên cứu sau khi quan chức y tế thành phố cho biết Berlin cần hỗ trợ các chuyến bay chở đồ bảo hộ y tế để phục vụ cuộc chiến chống COVID-19.
Một quan chức cấp cao khác của Berlin là Bộ trưởng Nội vụ Andreas Geisel trước đó chỉ trích Mỹ đã dùng “cách thức hoang dã của miền tây” để “hớt tay trên” 200.000 chiếc khẩu trang mà Berlin đặt hãng khẩu trang Mỹ 3M làm tại Trung Quốc.
Các quan chức Pháp cũng đưa ra cáo buộc tương tự.
Đại sứ quán Mỹ tại Pháp được báo chí dẫn lời nói rằng bất kỳ gợi nào về việc chính phủ Mỹ liên quan đến những hành động như vậy đều “hoàn toàn sai sự thật”.
“Chúng tôi đã gửi đề nghị chính thức đến quân đội để được hỗ trợ. Chúng tôi phải gửi khẩn cầu đó lên bộ trưởng quốc phòng để họ đảm trách nhiệm vụ vận chuyển và đưa vật tư ý tế về Berlin”, Bộ trưởng y tế Berlin Kalayci nói với báo Berliner Morgenpostnewspaper trong bối cảnh số phận của lô khẩu trang nói trên chưa biết ra sao.
Trong thời gian khủng hoảng do COVID-19, quân đội Đức hỗ trợ vận chuyển đồ dùng và thiết bị y tế trên cả nước, nhưng chưa bao giờ tham gia hoạt động vận tải dân sự nào từ nước ngoài.
Các quan chức Đức nói rằng quân đội không muốn tham gia việc vận chuyển những loại hàng hoá mà các hãng hàng không dân sự thực hiện để tránh phải cạnh tranh với họ.
“Các lựa chọn thương mại và dân sự nên được sử dụng trước tiên”, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Đức nói với báo SCMP.
“Bundeswehr sẽ lùi lại càng lâu càng tốt và chỉ hành động khi không còn lựa chọn thương mại hay dân sự nào”, phát ngôn viên nói.
Cuộc chiến khẩu trang nóng lên trong những ngày gần đây khi diễn biến dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng. Đức đã có hơn 95.000 người mắc bệnh và 1.447 người chết. Trên khắp thế giới, hơn 1,2 triệu người mắc và gần 69.000 người không qua khỏi sau khi mắc bệnh này.
Theo SCMP